Ứng dụng mô hình mới
Hệ thống cá - lúa rất đa dạng, bao gồm đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, với việc nuôi cá và lúa đồng thời trong ruộng lúa hay kênh rạch hoặc là nuôi cá giữa cây lúa. Dễ nuôi, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, có thể tận dụng được diện tích mặt nước trên những thửa ruộng lúa, mô hình kết hợp nuôi cá với trồng lúa đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân tại nhiều quốc gia. Hệ thống này phổ biến ở nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á, cũng như tại một số khu vực của châu Phi.
WorldFish đã phát triển một số cách tiếp cận để tăng sản lượng cá và năng suất trong hệ thống lúa - cá tại một số quốc gia châu Á. Ở Tây Bắc Bangladesh, việc nuôi các loài cá chép và cá vược trong các ao nuôi hộ gia đình kết hợp với ruộng lúa làm tăng 3,5 lần tổng sản lượng cá so ao độc lập, cũng như chất lượng dinh dưỡng cao hơn.
Tại Campuchia, việc quản lý các khu bảo tồn cá tại quốc gia này đã cải thiện và làm tăng sản lượng cá cũng như sự đa dạng sinh thái trong các cánh đồng lúa ngập nước xung quanh, dẫn đến sự gia tăng trong tiêu dùng cá của cộng đồng.
Nhân rộng trên toàn cầu
Sáng kiến về hệ thống mới này sẽ hỗ trợ các mục tiêu của Bộ nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar trong việc cung cấp các cơ sở, xây dựng chính sách và năng lực khoa học trong công tác quản lý và phát triển nuôi trồng tại địa phương. Hơn nữa, theo các nhà khoa học của IRRI và Dự án ACIAR nhận định, sự kết hợp bài bản từ các nhà khoa học quốc tế và các cơ quan địa phương của các quốc gia mà tổ chức này hợp tác, sẽ mang đến hiệu quả và đáp ứng nhu cầu cụ thể cũng như các thách thức của từng khu vực.
Theo nhận định của IRRI, Myanmar là một quốc gia với những tiềm năng lớn, từ năm 1965, IRRI đã và đang làm việc với Chính phủ Myanmar nhằm cải thiện ngành lúa gạo của nước này bằng cách phát triển các giống gạo hiện đại và thực hành sản xuất lúa gạo.
Các khảo sát gần đây cho thấy, sản lượng lúa trồng của các hộ nông dân tăng 20% và thu nhập bình quân tăng 30%. IRRI đang đưa ra các giải pháp cung cấp cho nông dân tại các địa bàn nhỏ tại Myanmar khả năng tiếp cận tốt hơn với các giống lúa có thể đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và năng suất cây lúa.
Mô hình nuôi cá - lúa là cách làm hay, hiệu quả, tận dụng được nguồn nước; khi thả cá vào ruộng thì nguồn ôxy trong đất, nước sẽ được thường xuyên trao đổi, có lợi cho sự phát triển của cây lúa, hơn nữa cá giúp diệt một số loại sâu, bọ gây hại. Cá, lúa có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, thóc rụng và sâu bọ nên nông dân có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Ngược lại, các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho đất, giảm chi phí làm đất. Kết hợp nuôi cá trong ruộng lúa còn tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân trong mùa vụ, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, cải thiện đời sống và góp phần giảm nghèo.
Chủ yếu tập trung vào vùng đồng bằng Ayeyarwady, Dự án ACIAR sẽ đem lại lợi ích cho các hộ nông dân sản xuất lúa gạo quy mô nhỏ và ngư dân thông qua đa dạng hóa sản xuất, tăng khả năng phục hồi và tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng và tăng cường bình đẳng giới.
Michael Phillips, Giám đốc Khoa học và Môi trường của WorldFish: “Chiến lược mới này được củng cố với việc ký kết bản ghi nhớ (MoA) nhằm mục đích sắp xếp quản lý hệ thống lúa gạo và cá ở Myanmar. Công việc này sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn cầu về các hệ thống cá - lúa trong chương trình nghiên cứu của nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR”.