Kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2022 đạt 19.319,65 tỷ đồng chiếm 36,8% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì các hoạt động thủy sản cũng phát sinh một lượng lớn chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Bình Định hiện có 5.955 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, với 3.243 tàu khai thác hải sản vùng khơi (chiếm tỷ lệ 54 %). Ngành nghề đánh bắt chính là câu cá ngừ, mành mực, vây ánh sáng, lưới rê... Hiện nay, phần lớn các tàu cá không có dụng cụ thu gom rác thải và không mang rác thải về bờ.
Các hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ và các đối tượng nuôi lồng biển, đã phát sinh rác thải nhựa như: Bạt lót ao nuôi, vỏ chai lọ thuốc thú y thủy sản, bao bì thức ăn, phao xốp, nhựa ... có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, môi trường biển, gây nhiễm độc cho các loại hải sản khu vực ven bờ.
Thêm vào đó là hoạt động tại các cảng cá cũng gây ô nhiễm môi trường và phát sinh nhiều rác thải nhựa. Tỉnh Bình Định có 3 cảng cá là Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan. Cảng cá là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ, sơ chế, bảo quản hải sản để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, quá trình khai thác và sử dụng không tránh khỏi việc gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm tại cảng cá phần lớn là do rác thải nhựa từ các tàu thuyền neo đậu và cập cảng cá, rác thải từ các hộ dân sống liền kề với cảng cá, đồng thời rác thải từ các đầm đổ ra biển.
Trước thực trạng đó, để thực hiện xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa trong ngành thủy sản nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch, Chỉ thị về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa”; Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Các tàu cá sẽ thực hiện việc mang rác thải nhựa về bờ. Ảnh: Ái Trinh
Song song với công tác chỉ đạo điều hành, trong năm 2021, tỉnh Bình Định đã triển khai 02 dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ bao gồm: Dự án “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp Quy Nhơn chủ trì thực hiện.
Dự án đã triển khai các hoạt động như tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ quản lý và thực hiện hiệu quả các mô hình: làm phân compost ở xã Nhơn Châu; mô hình khu dân cư kiểu mẫu ở khu vực I, phường Ghềnh Ráng; mô hình kinh tế tuần hoàn ở trường THCS Nhơn Lý, bãi biển không rác thải, nhà hàng thân thiện với môi trường, tổ chức 3 điểm Hội thi “Sáng kiến cộng đồng về thu gom, xử lý và phân loại rác thải sinh hoạt trong gia đình” và 4 điểm “Truyền thông về bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.
Dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển ven bờ thuộc Vịnh Quy Nhơn” do Hiệp hội Thủy sản Bình Định chủ trì thực hiện. Dự án đã triển khai các hoạt động thi rung chuông vàng và thi vẽ tranh cho học sinh tại 04 trường Tiểu học và THCS ở 4 xã /phường Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải và Ghềnh Ráng với chủ đề “Vì 1 đại dương xanh không rác thải nhựa và bảo vệ rạn san hô vịnh Quy Nhơn”.
Có khoảng 1.400 học sinh 4 trường đã tham gia hoạt động, qua đó được phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về bảo vệ rạn san hô, môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa; Cuộc thi sáng tác và biểu diễn tiểu phẩm truyền thông cộng đồng dạng sân khấu hóa về bảo vệ nguồn lợi, rạn san hô, giảm thiểu rác thải nhựa tại 4 xã/phường trong khu vực biển Vịnh Quy Nhơn; Xây dựng 4 pano giới thiệu bản đồ khu vực biển giao cho cộng đồng quản lý và 2 poster về bảo vệ rùa biển và phân loại rác thải nhựa.
Năm 2022, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản triển khai mô hình thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa tại nguồn trong khai thác thủy sản với nhiều hoạt động như: tổ chức hội thảo tuyên truyền hướng dẫn phân loại, hạn chế sử dụng và thu gom rác thải nhựa tại các tàu cá; 20 tàu cá được lựa chọn để thực hiện mô hình, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa tại nguồn trong khai thác thủy sản; phát thùng đựng rác và túi đựng rác cho Cảng cá Quy Nhơn và 20 chủ tàu cá được lựa chọn thực hiện mô hình. In ấn và lắp đặt nhiều poster tuyên truyền tại cảng cá Quy Nhơn và trên tàu cá.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phần lớn dừng lại ở các hoạt động ngắn hạn nên chưa đạt hiệu quả cao về thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày của người dân và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ý thức, nhận thức của người dân còn hạn chế; cơ sở hạ tầng còn kém chưa đáp ứng được khâu quản lý thu gom, phân loại và xử lý rác thải đặc biệt là rác thải nhựa. Công tác thu gom rác thải trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản vẫn còn chưa thực hiện tốt, chỉ chiếm 30%. Đối với rác sinh hoạt từ dân cư ven biển thì tỷ lệ thu gom khoảng 60%.
Theo Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết để tăng cường các giải pháp quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản, thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy sản thực hiện lồng ghép các nội dung về quản lý, giám sát, giảm thiểu rác thải nhựa vào chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án đang và sẽ xây dựng của lĩnh vực thủy sản. Xây dựng và ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm quản lý, giám sát, giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản.
Giai đoạn 2022-2024, triển khai thực hiện dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ( UNDP) tài trợ.
Theo đó, UBND thành phố Quy Nhơn chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở ban ngành liên quan, triển khai các nội dung như: Khảo sát, điều tra, đánh giá thành phần, khối lượng rác thải nhựa phát sinh làm cơ sở xây dựng hệ số phát thải rác thải nhựa cho từng đối tượng trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, định lượng nguyên liệu đầu vào cho cơ sở thu hồi vật liệu.
Nâng cao nhận thức và hỗ trợ việc xây dựng mô hình quản lý tổng hợp chất thải cho ngành thủy sản; hỗ trợ thiết lập các cơ sở thu hồi vật liệu nhằm cải thiện chuỗi giá trị vật liệu tại địa phương; hỗ trợ công tác nhân rộng, mở rộng, đảm bảo tính bền vững của các mô hình quản lý chất thải đã xây dựng; hỗ trợ xây dựng những chiến lược, công cụ và chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin và chia sẻ những thực hành tốt nhất trong việc huy động sự tham gia của khối phi chính thức và lập kế hoạch phân loại chất thải.