Xác định thủy sản là thế mạnh của địa phương, hằng năm tranh thủ từ nhiều nguồn vốn, xã Gia Hòa 2 đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là nạo vét kênh mương thủy lợi, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Trong năm 2018, tổng diện tích nuôi thủy sản của Gia Hòa 2 là 2.000 ha, sản lượng ước đạt gần 2.700 tấn; diện tích lắp lúa trên nền tôm hơn 1.400 ha, với các giống chủ lực như OM 4900, RVT, các giống lúa ST. Hiện trà lúa đang trổ đòng, phát triển rất tốt. Ông Nguyễn Thanh Dân - Ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, chia sẻ: “Sau khi thu hoạch tôm xong, nhân dân xóm này cũng như gia đình tôi đều lắp lại lúa trên nền tôm, thấy có hiệu quả, thời gian tới tôi tiếp tục duy trì mô hình này”.
Nhờ duy trì thành công mô hình tôm lúa mà đời sống của người dân xã Gia Hòa 2 từng bước được ổn định, góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 12% năm 2015, xuống còn 2,43% năm 2018. Nhiều mô hình kinh tế tập thể được nhân rộng, củng cố. Hiện nay xã có 1 hợp tác xã với 17 thành viên, 4 tổ hợp tác với 62 thành viên, chủ yếu là hợp tác về nông nghiệp, sản xuất theo mô hình tôm lúa kết hợp, hiệu quả hoạt động khá, thu nhập cao hơn so với hộ cá thể. Bình quân giá trị sản xuất đất nông nghiệp trong năm 2018 của xã Gia Hòa 2, đạt 160 triệu đồng. Ông Nguyễn Minh Duy, Ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, chia sẻ: “Qua 3 năm thành lập và sản xuất, Tổ hợp tác tôm-lúa thực hiện đạt kết quả, mỗi năm lợi nhuận 1 tỉ đồng. Tôi thấy thực hiện mô hình này mang lại thu nhập bền vững”.
Lắp lúa trên nền tôm đã trở thành phong trào ở Gia Hòa 2, tuy năng suất không cao bằng vùng sản xuất 2 vụ lúa của huyện, nhưng chi phí đầu tư thấp vì hạn chế phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, điều quan trọng là cải tạo môi trường đất để nuôi tôm vụ sau được tốt hơn. Ông Lê Văn An, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: Hiện trà lúa ở xã Gia Hòa 2 đang làm đòng và trỗ. Hằng năm xã đều thực hiện đạt chỉ tiêu huyện giao. Hướng tới xã tiếp tục duy trì mô hình sản xuất lắp lúa trên nền tôm vì đây là mô hình phát triển bền vững”.
Vụ lúa mùa trên vùng đất nuôi tôm 2018, nông dân Mỹ Xuyên đã xuống giống 8.116 ha. Hướng tới, huyện tiếp tục duy trì mô hình này, đồng thời phối hợp Ngành Nông nghiệp tỉnh nghiên cứu nhiều loại giống lúa có khả năng chịu mặn, đưa vào canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu.