Cà Mau có trên 250.000 ha nuôi cua biển với sản lượng hơn 25.000 tấn/năm, mang về nguồn thu trên 10.000 tỉ đồng cho địa phương. Đây là đặc sản được xếp vào mặt hàng chủ lực của tỉnh và chỉ đứng sau con tôm. Thời gian qua Cà Mau đã tổ chức nhiều sự kiện quy mô cấp tỉnh để quảng bá hình ảnh, nâng tầm sản phẩm cua Cà Mau đến với mọi miền đất nước và quốc tế.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám Đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau đánh giá, việc tổ chức thành công Ngày hội cua Cà Mau đã tạo được tiếng vang lớn cho ngành du lịch địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị cua thương phẩm, giúp người nuôi có lợi nhuận cao hơn.
Theo đó, cua biển Cà Mau được nuôi dưỡng dưới tán rừng ngập mặn nên có chất lượng thịt ngọt, gạch nhiều... và được đánh giá là ngon nhất cả nước. Nhiều thực khách không ngại chi số tiền lớn để tìm mua cua Cà Mau về thưởng thức.
Cua được xem là mặt hàng chủ lực cho nền kinh tế thủy sản của tỉnh Cà Mau. Ảnh: danviet.vn
Ông Nguyễn Văn Kiên, ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, cho biết, sau khi chuyển dịch từ làm lúa sang nuôi tôm ông và rất nhiều hộ dân địa phương đã nuôi cua xen canh với tôm sú trên cùng diện tích đất canh tác. “Để giảm hao hụt, tôi dùng lưới mành bao quanh rồi thả cua giống vào nuôi cho ăn khoảng 15 ngày. Sau đó, thả lan ra vuông tôm như vậy giúp cua khoẻ hơn, có thể tự bắt mồi và phát triển hoàn toàn dựa vào bản năng. Hằng năm, tôi thả khoảng 8.000 con cua giống trên diện tích hơn 3 ha”, ông Kiên thông tin.
Theo người có kinh nghiệm nuôi cua, từ khi thả nuôi cho đến thu hoạch, cua biển sẽ trải qua 6 lần lột xác, mỗi lần trọng lượng tăng từ 10 – 150 gram (tùy vào giai đoạn). Ông Huỳnh Luyến, ngụ huyện Năm Căn nói: “Vào tháng 6 âm lịch hằng năm, tôi mua cua giống về thả nuôi đến Tết thì thu hoạch với trọng lượng trên dưới 300gram/con. Thời điểm này, người nuôi sẽ bán được giá cao hơn. Tết này, tôi bán cua được giá cao nên thu về gần 15 triệu đồng. Hi vọng thời gian tới, giá cua sẽ được ổn định để người dân không còn lo lắng vì cảnh được mùa mất giá”.
Hiệu quả kinh tế từ con cua mang lại cho hộ nuôi là rất lớn. Tuy nhiên, mặt hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau đang đối diện với nhiều thách thức như chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ cua; bị mạo danh thương hiệu làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng hay quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên chỉ cần nước này có sự thay đổi nhẹ trong việc thông quan, ngay lập tức giá cua trên thị trường tại Cà Mau sẽ đảo chiều, thậm chí xảy ra tình trạng thương lái ngừng thu mua.
Cua Cà Mau có thịt chắc ngọt, vô cùng thơm ngon. Ảnh: vnexpress.net
Để gỡ khó cho ngành hàng cua Cà Mau, hồi cuối năm 2022, Cà Mau đã tổ chức “Ngày hội cua Cà Mau” và hội thảo “Giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau”. Qua hoạt động này, tỉnh Cà Mau muốn giới thiệu, quảng bá ngành hàng cua đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nghề cua theo hướng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và hiệu quả.
Tại sự kiện, các chuyên gia đã hiến nhiều kế hay giúp tỉnh Cà Mau nghiên cứu tạo thêm nhiều hơn các sản phẩm từ cua để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Từ đó, tiến hành kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển, mở rộng thị trường mới để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hướng đến xây dựng vùng nuôi quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết chuỗi giá trị để phát triển hiệu quả và bền vững.
Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, giá cua Cà Mau có nhiều biến động theo hướng tăng, có thời điểm cua gạch loại 1 được thương lái đến tận nơi thu mua với giá 1 triệu đồng/kg. Giá cua tăng, khiến cho người nuôi vô cùng phấn khởi, bà con mong muốn bước sang năm mới có được cuộc sống sung túc hơn.