Công nghệ biofloc là mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho hiệu quả quản lý chất lượng nước tốt hơn mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh khi giảm yêu cầu thay nước đến mức tối thiểu, qua đó giúp cho việc nuôi các loài sinh vật nguồn gốc nước mặn như tôm thẻ chân trắng trong các vùng nội địa có thể thực hiện được mà không có ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương. Một số nghiên cứu của Esparza-Leal (2016), Moreno-Arias (2017), Lobato (2019) và Huang (2021) cũng cho thấy rằng nuôi tôm với công nghệ biofloc có tăng trưởng tốt và sức khỏe được cải thiện đáng kể.
Đối với công nghệ biofloc, việc bổ sung nguồn carbon là rất quan trọng bởi đây là yếu tố chính giúp cho việc cân bằng tỷ lệ C/N trong hệ thống. Tỷ lệ C/N hợp lý giúp giảm các chất độc trong quá trình nuôi, đồng thời tăng cường sự đồng hóa của các hợp chất N. Theo nghiên cứu của Fugimura (2015) và Panigrahi (2019) các nguồn carbon được sử dụng cho thao tác biofloc có thể được phân thành ba loại.
1. Các chất có cấu trúc đơn giản hòa tan, chẳng hạn như glucose và sucrose
2. Các hỗn hợp hòa tan, chẳng hạn như mật đường
3. Các polyme phân hủy sinh học có cấu trúc phức tạp, chẳng hạn như cám, bột và các sản phẩm phụ từ các ngành công nghiệp khác
Các nguyên liệu thông dụng của 3 nguồn carbohydrate trong thao tác biofloc. Ảnh: Tepbac.
Các nguồn carbon khác nhau sẽ gây ra các tác động khác nhau đến chất lượng nước và hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng trong công nghệ biofloc. Ví dụ, nguồn carbon hòa tan, chẳng hạn như glucose và mật đường, có thể hòa tan nhanh chóng vào nước và giải phóng carbon cho các hoạt động sinh học của vi sinh vật, dẫn đến loại bỏ ngay lập tức các hợp chất nitơ gây độc. Ngược lại, các hợp chất carbon không hòa tan sẽ có tác dụng chậm hơn nhưng lại có thể làm mồi cho tôm nuôi trong hệ thống.
Một nghiên cứu mới đây của Hai-Hong Huang và cộng sự được công bố trên tạp chí Aquaculture đã chỉ ra sự ảnh hưởng của các nguồn carbon bổ sung khác nhau lên tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng được nuôi theo công nghệ biofloc ở độ mặn 5‰. Theo đó, 3 nghiệm thức với glucose (Glu), mật đường (Mol) và tinh bột (Sta) làm nguồn carbon, tương ứng được thiết kế để thả tôm giống (0,81 ± 0,02 g) ở mật độ 90 con m3 trong 63 ngày thí nghiệm.
Kết quả cho thấy các thông số về tăng trưởng như khối lượng cuối (FW), tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR), tốc độ tăng trưởng theo tuần (WIR), tỷ lệ sống (SR) và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của tôm ở nghiệm thức Glu và Mol, đều cao hơn đáng kể so với nghiệm thức Sta, trong khi không có sự khác biệt đáng kể giữa nghiệm thức Glu và Mol. Về mặt chất lượng nước, pH và độ kiềm cao hơn đáng kể , nhưng mức tổng nitơ amoniac, nitrit và nitrat thấp hơn đáng kể, cũng được tìm thấy trong nghiệm thức glucose và mật đường, khi so sánh với nghiệm thức tinh bột.
Các nguồn carbon khác nhau sẽ gây ra các tác động khác nhau đến chất lượng nước và hiệu suất tăng trưởng của tôm. Ảnh: Tây Oggy.
Người ta cho rằng so với các nguồn carbon đơn giản, carbohydrate phức tạp cần nhiều thời gian hơn để phân hủy thành đường đơn cho các hoạt tính sinh học của vi sinh vật, do đó dẫn đến sự đồng hóa các hợp chất nitơ thành sinh khối vi sinh vật trong công nghệ biofloc chậm hơn. Hơn nữa, nguồn carbon không hòa tan hoặc polyme phân hủy sinh học không thể được sử dụng trực tiếp bởi vi sinh vật trước khi phân hủy, tác dụng của chúng đối với việc điều chỉnh chất lượng nước sẽ bị hạn chế.
Do đó, nghiệm thức tinh bột có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và thậm chí gây chết tôm, được chứng thực bởi các mối tương quan đáng kể giữa các chỉ số tăng trưởng và các thông số nước. Hiệu suất sử dụng tinh bột thấp trong các điều kiện của nghiên cứu hiện tại có thể hạn chế sự hình thành floc cho thấy mối tương quan tiêu cực đáng kể với các hợp chất vô cơ độc hại trong nghiên cứu này, do đó cản trở sự đồng hóa của các hợp chất đó, dẫn đến nồng độ amoniac và nitrit độc hại cao.
Như vậy, kết quả của thử nghiệm cho thấy hiệu quả của glucose hoặc mật đường làm nguồn carbon cho hệ thống nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc độ mặn thấp ở khía cạnh tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn và chất lượng nước.