Một trong những thách thức quan trọng đối với ngành thủy sản hiện nay, theo ông Cormac O’Sullivan - Chủ tịch Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Toàn cầu, thuộc Tập đoàn SGS nêu lên tại Hội thảo kỹ thuật “Các tiêu chuẩn trong ngành thủy sản – Những yêu cầu và thách thức mới” do SGS tổ chức vào sáng ngày 17-1 tại Cần Thơ là vấn đề phát triển sản phẩm bền vững và có trách nhiệm đối với người tiêu dùng từ các khâu nuôi trồng, khai thác cho đến chế biến, phân phối nhằm đảm bảo cho sự hòa hợp giữa phát triển kinh doanh – xã hội và môi trường.
Dẫn chứng cho vấn đề trên, ông Cormac O’Sullivan nhắc lại chiếc thẻ vàng do Liên minh châu Âu đưa ra đối với vi phạm về đánh bắt hải sản trái phép (IUU) của Việt Nam cũng như các vấn đề đối với sản phẩm cá tra tại thị trường Mỹ hay tình trạng một số lô hàng thủy sản bị trả về do dư lượng hóa chất cấm từ một số thị trường lớn. Tuy nhiên, ông Cormac O’Sullivan cũng nhận định: “Chúng ta không nên nhìn chiếc thẻ vàng IUU hay các rào cản thương mại khác đối với thủy sản Việt Nam đơn thuần chỉ là khó khăn, thách thức, mà hãy xem đó cũng là cơ hội tốt để điều chỉnh lại tất cả các khâu từ khai thác, nuôi trồng cho đến chế biến, phân phối để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường tiêu thụ”.
Để biến thách thức trở thành cơ hội, tất cả các khâu từ khai thác, nuôi trồng, chế biến… đều phải đạt các chứng nhận tiêu chuẩn do thị trường quy định.
Phân tích thêm về những thách thức đối với thủy sản Việt Nam, ông Cormac O’Sullivan cho rằng, nguy cơ lớn nhất là một số thị trường sẽ không nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam vi phạm các quy định của họ. Khi đó, các nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu Việt Nam buộc phải cải thiện rất nhiều khâu để đưa được sản phẩm vào những thị trường này. Cụ thể, đối với thủy sản nuôi trồng, người sản xuất và chế biến phải áp dụng các tiêu chuẩn do thị trường nhập khẩu đưa ra, như: GlobalGAP, BAP hay ASC… còn sản phẩm đánh bắt cũng phải đáp ứng các điều kiện để có thể nhanh chóng chuyển từ thẻ vàng sang thẻ xanh.
Đối với nghề nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng, thời gian qua cũng có sự thay đổi khá nhiều, đặc biệt là việc chuyển từ sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm sang sử dụng vi sinh hay các chất thảo dược thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Một số trang trại, doanh nghiệp hay HTX bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế vào nuôi tôm như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP và bước đầu đã được cấp chứng nhận. Sự thay đổi hành vi đó là cần thiết, nhưng cần được thực hiện mạnh mẽ và rộng rãi hơn nữa để đẩy lùi thách thức từ thị trường tiêu thụ.
Tuy có thách thức, nhưng thủy sản Việt Nam cũng có những cơ hội không nhỏ, mà điển hình là việc các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm kiếm thêm được một số thị trường mới ở châu Á cho sản phẩm cá tra hay tôm nước lợ, trong đó, có quốc gia láng giềng đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Tuy nhiên, không vì có được thị trường mới mà bỏ qua một số thị trường truyền thống có sức tiêu thụ lớn vừa qua, như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, mà hãy mạnh dạn nhìn nhận những thách thức từ các thị trường này cũng chính là một cơ hội để thay đổi cách làm ngày một tốt hơn.
Khi người sản xuất không có giấy chứng nhận không có nghĩa là họ chưa đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, ngược lại, để người tiêu dùng thấy được người sản xuất đang sản xuất theo các tiêu chuẩn do họ đưa ra, rất cần có được chứng nhận. Hay nói cách khác, việc được cấp chứng nhận chỉ mới thể hiện chúng ta đã làm được những yêu cầu gì của người tiêu dùng, để người tiêu dùng thấy rằng chúng ta luôn đáp ứng tốt các yêu cầu của họ.
Thực tế cho thấy, không phải phần lớn doanh nghiệp đều không có trách nhiệm, nhưng đôi khi rủi ro vẫn xảy ra đối với họ, mà nguyên nhân chính là do ngay từ khâu nguyên liệu đã không được thực hiện theo đúng quy chuẩn. Vì vậy, việc áp dụng các quy chuẩn sẽ giúp kiểm soát tốt các rủi ro ngay từ đầu, từ đó hạn chế những rủi ro trong quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm của nhà máy. Điều này nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ tin cậy của nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề không phải là chúng ta phải thực hiện hết tất cả các tiêu chuẩn trên mà tùy theo điều kiện của mình và yêu cầu của nhà nhập khẩu mà chọn cho mình tiêu chuẩn phù hợp.
Bên cạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu, thủy sản Việt Nam cũng cần quan tâm hơn trong vấn đề truyền thông, vì một khi chúng ta có những chương trình tốt sẽ chứng minh cho các nhà nhập khẩu thấy và hiểu được đúng chất lượng sản phẩm của mình. Điều này rất có lợi khi không chỉ giúp phản biện thắng lợi trước các nguồn “truyền thông tiêu cực”, mà còn giúp củng cố thêm niềm tin nơi các nhà nhập khẩu về một sản phẩm chất lượng và an toàn.