Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra đã giảm giá cá, gây ra nhiều lo ngại, thậm chí là cảnh báo về nguy cơ bị xem là phá giá ở thị trường nước ngoài. Vì vậy, nhiều DN cho rằng cần phải tái lập lại giá sàn cho cá tra.
Không có giá sàn, tranh nhau “dìm” cá
Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex, cho biết giá cá tra hiện đang rớt, còn 21.000-22.000 đồng/kg, người nuôi lỗ hơn 1.000 đồng/kg.
Ông cho rằng thường có ba nguyên nhân khiến giá thấp bất thường. Một là DN bán lỗ để tránh tồn kho. Tuy nhiên, thị trường hiện đang thiếu cá chứ không lo hàng tồn. Vì vậy, việc bán giá thấp có thể do DN “đè” giá cá của nông dân xuống hoặc DN giảm chất lượng cá tra.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, cho biết giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long quá thấp. Giá cá phải ở mức 26.000 đồng/kg, tương đương giá xuất khẩu cá tra thịt trắng là 3,2 USD/kg, cá phi lê thịt đỏ là 2,2 USD/kg thì mới hợp lý. Giá thấp hơn mức này thì không đảm bảo cho nông dân có lãi, nông dân chỉ có thể lấp ao!
Ông Đạo cho rằng việc lập giá sàn cho cá tra là việc cần thiết, góp phần ổn định đầu vào, đầu ra cho cá tra.
Lo nạn phá kèo
Nhiều DN thủy sản khác, dù cũng đồng tình rằng phải có giá sàn nhưng lại ngao ngán với câu chuyện lập giá sàn. Bởi lẽ câu chuyện này từng được đề cập từ năm 2010, sau khi nhiều nông dân đòi treo ao vì giá thấp khiến nguồn nguyên liệu cá thiếu hụt trầm trọng. DN tranh mua, tranh bán, mỗi người một giá. Các DN nháo nhác đòi phải có giá sàn. Cuối năm 2010, nhiều DN đồng thuận ký cam kết áp dụng giá sàn xuất khẩu cho năm 2011, khi đó là 3 USD/kg cá tra thịt trắng, 2,05 USD/kg cá tra thịt đỏ. Đến tháng 7-2011, giá sàn được điều chỉnh thành 3,3 USD và 2,3 USD.
Thế nhưng chưa hết năm 2011, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phải thừa nhận rằng “giá sàn xuất khẩu cá tra về cơ bản đã thất bại”!
Ông Nguyễn Văn Kịch (Cafatex) cho rằng: “Thất bại là do DN lẫn hiệp hội. Hiệp hội không kiểm soát được việc DN có thực hiện đúng giá sàn hay không. DN thì mạnh ai nấy làm, thỏa thuận lập giá sàn nhưng lại bán theo giá có lợi cho mình”.
Chế tài bằng uy tín
Ông Hòe cho biết lập giá sàn cho cá tra là việc cần thiết. Hiệp hội không có quyền định ra giá sàn mà phải dựa trên mong muốn thống nhất từ phía DN, đề xuất Bộ NN&PTNT duyệt thì mới thực hiện. Tuy nhiên, khi hiệp hội có phát hiện DN phá kèo thì chỉ được nhắc nhở, rút kinh nghiệm chứ làm gì có quyền xử lý nào khác.
DN phá kèo, bán dưới giá sàn thì không ai xử lý được. DN khác thấy vậy, vì cạnh tranh nên cũng bán giá thấp mới có khách, thành ra nhiều người kéo nhau phá luôn.
Ông Nguyễn Văn Đạo (Gò Đàng) cho biết ở nước ngoài cũng có giá sàn, cũng dựa trên sự đồng thuận của DN và cũng không có chế tài nào nếu DN vi phạm. Không có phạt hành chính, không có xử hình sự. Thế nhưng DN nước ngoài luôn có tính tự giác và họ tôn trọng các cam kết, rất sợ mất uy tín.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex, cho rằng các cơ quan quản lý nên nhảy vô giúp hiệp hội quản lý giá sàn thì mới thực hiện được.
Một DN xuất khẩu thủy sản cho biết câu chuyện giá sàn là câu chuyện thị trường, vì vậy nên giải quyết bằng chế tài thị trường. Nếu phát hiện DN “lật kèo”, chúng ta cứ công khai danh tính. DN sợ mất uy tín với anh em trong ngành, mất uy tín với nhà nhập khẩu thì sẽ thực hiện nghiêm túc giá sàn.
Sắp tới đây, hiệp hội sẽ bàn lại về vấn đề giá sàn cá tra, ông Hòe cho biết.
Người mua cũng muốn giá sàn
Phải có giá sàn cho cá tra xuất khẩu và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản quản lý, điều chỉnh. Nếu quản lý tốt, giá cá tra Việt Nam có thể tăng 30%-50% so với hiện tại.
Ông JEAN-CHARLES DIENER, Giám đốc Công ty Ofco Sourcing, nhà nhập khẩu và phân phối cá tra VN tại châu Âu