Để ứng phó với thời tiết bất thường, các ngành chức năng thường xuyên thông báo tình hình xâm nhập mặn, theo dõi sát diễn biến để có kế hoạch kiểm tra độ mặn tại các cống đầu mối, kênh nội đồng; đồng thời, vận hành các công trình thủy lợi đồng bộ hơn; tiếp tục đóng cống Ba Lai để trữ ngọt, thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các công trình, các cống đầu nguồn đảm bảo nước tưới chuẩn bị sản xuất lúa Hè-Thu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được 24.927ha tôm sú quảng canh, tôm lúa, tôm rừng. Hiện một số diện tích đang vào thời điểm thu hoạch. Diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh được 1.960ha, trong đó tôm thẻ chân trắng 1.317ha, tăng 58% so cùng kỳ; tôm sú 650ha, giảm 48% so cùng kỳ. Do thời tiết không thuận lợi như nắng gay gắt kéo dài, độ mặn cao gây ra nhiều bệnh trên tôm thâm canh, bán thâm canh làm thiệt hại 82ha tôm thẻ chân trắng, 18ha tôm sú. Diện tích nuôi cá tra cũng giảm, chỉ nuôi khoảng 519ha, giảm 10% so cùng kỳ. Phần lớn nuôi tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, chiếm 90% tổng diện tích thả nuôi. Giá cá tra nguyên liệu cũng ở mức thấp, khoảng từ 20.500-22.000đ/kg nên các hộ nuôi đều bị lỗ. Dịch bệnh cũng phát sinh nhiều do nhiễm mặn, nuôi mật độ dày làm cho cá bị tuột nhớt, nhiễm ký sinh trùng ngoài da, xuất huyết, tập trung ở cá có trọng lượng 200 - 300 gram/con, làm cá hao hụt khá lớn, khoảng 15-20%. Tình hình nuôi nghêu gặp nhiều khó khăn, tuy tỷ lệ chết có giảm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng của nhiều hợp tác xã (HTX). Diện tích nghêu chết lên đến 250ha, sản lượng thiệt hại 150 tấn, nghêu chết kích cỡ từ 40-90 con/kg. Nguyên nhân bước đầu được xác định do mật độ nuôi dày, độ mặn cao, nắng nóng kéo dài, thời gian phơi bãi dài ngày. Nghêu chết còn làm xuất hiện khí độc hại như H2S, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nghêu còn lại. Khai thác thủy sản cũng không thuận lợi, hiệu quả đạt thấp. Sản lượng khai thác được 36.415 tấn, giảm 2% so cùng kỳ. Hiện nay tàu đánh bắt đã đăng ký 3.883 chiếc, trong đó có 1.762 tàu khai thác xa bờ với công suất bình quân 372 CV/tàu.
Thu hoạch dưa hấu ở Thừa Đức (Bình Đại). Ảnh: H.H
Để củng cố nghề khai thác đánh bắt, Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp thành lập được 91 tổ, đội đánh bắt xa bờ với 399 hộ, 694 tàu. Bến Tre là một trong những tỉnh có số lượng lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long về đàn bò nhưng hiện còn khoảng 148.250 con, giảm 1%; đàn heo 224.375 con, giảm 1,5%, đàn gia cầm 4,7 triệu con, giảm 1%. Nhiều loại cây trồng phát triển không khả quan, toàn tỉnh có khoảng 58.441ha dừa, với 49.389ha đang cho trái, có 3.100ha dừa bị nhiễm bọ cánh cứng, tỷ lệ nhiễm 16%. Chi cục Bảo vệ thực vật duy trì các mô hình nuôi ong ký sinh hộ gia đình để diệt bọ cánh cứng hại dừa. Kinh phí hỗ trợ người trồng dừa đợt 2 đã được chuyển về cho các huyện, thành phố. Các địa phương đang cấp phát cho người dân. Cây mía cũng đang khó khăn do giá mía xuống thấp trong khi giá vật tư đầu vào, giá nhân công tăng cao, người trồng mía không có lãi.
Hiện toàn tỉnh chỉ còn 4.466ha mía, giảm 11% so cùng kỳ, sản lượng 369.498 tấn, giảm 8,9%. Hiện nước mặn xâm nhập sâu và nắng nóng kéo dài làm cho một số diện tích lưu gốc bị chết khô, dự báo trong niên vụ tới, diện tích mía sẽ còn giảm nhiều. Lúa Đông-Xuân đã thu hoạch xong 16.100ha, chiếm 85% diện tích, năng suất bình quân đạt 51,74 tạ/ha, giảm 10% so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do gió mùa Đông Bắc thổi mạnh làm lúa bị vàng lá; sâu bệnh phát sinh, nhất là sâu cuốn lá phát triển mạnh. Ngoài ra, nước mặn xâm nhập sâu, kéo dài làm cho nhiều diện tích lúa ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại bị ảnh hưởng rất nặng, với trên 1.000ha bị thiệt hại. Trong đó, Thạnh Phú 515ha, Bình Đại 272ha, Ba Tri 248ha. Theo thống kê, sản lượng thu hoạch được 98.148 tấn, giảm 15% so với cùng kỳ. Riêng các mô hình Cánh đồng mẫu lớn ở Tân Xuân, Phong Mỹ, Mỹ Nhơn, Châu Hưng năng suất đạt khá cao, đang được ngành nông nghiệp tổ chức nhân rộng.