Rộng đường xuất khẩu
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Lợi ích lớn nhất ngành thủy sản sẽ có được khi các Hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia ký kết có hiệu lực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam- EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc… đó là tiếp cận thuế quan ưu đãi (0%). Điều này có những tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản trong việc mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn. Đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Hiện nay, thuế nhập khẩu ở thị trường Mỹ đang ở mức trung bình 0,3% đối với thủy sản sống, 4,7% cho thủy sản đã qua chế biến. Tại Nhật Bản, trung bình thuế quan khoảng 3,5% với thủy sản sống và 7,3% với thủy sản chế biến. Hay EU, hiện nay thuế nhập khẩu thủy sản vào thị trường này rất cao, như tôm ở mức 17% - 20%, cá tra: 8-16%, cá ngừ: 18-24%, cua: 8%...
Bên cạnh đó, việc ký kết các FTA còn giúp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Như theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn/năm cho mặt hàng tôm với thuế suất nhập khẩu 0%. Hạn ngạch này có hiệu lực vào đầu năm 2016, trong khi cả ASEAN cũng chỉ có chung hạn ngạch 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước. Như vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc đã có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Hơn nữa, thủy sản đang là xu hướng tiêu dùng được lựa chọn nhiều hơn trong bối cảnh có nhiều chuyển biến về dịch bệnh, chất dinh dưỡng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mức tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người trên thế giới liên tục tăng cao, từ 11,8 kg/người/năm (1981) lên 16,8 kg/người/năm (2006) và 20 kg/người/năm (2030).
VASEP dự báo năm 2016, nhờ những tác động tích cực từ các FTA, giá trị xuất khẩu tôm sẽ đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2015, trong đó các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật, EU, ASEAN... Cá ngừ vào khoảng 507 triệu USD, tăng 8%; các sản phẩm mực, bạch tuộc là 470 triệu USD, tăng 10%....
Phát huy lợi thế
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, chiếm 4-5% GDP, chiếm 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu (sau điện tử, may mặc, dầu thô và giày dép). Việt Nam đã đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản (sau Trung Quốc, Ấn Độ), thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản (sau Trung Quốc, Na uy, Thái Lan). Trong 10 năm qua, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam không ngừng phát triển và đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 165 thị trường, 612 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp đạt quy chuẩn an toàn thực phẩm, trong đó có 461 nhà máy đạt điều kiện xuất khẩu sang EU (chiếm hơn 75%). Thủy sản Việt Nam có giá trị gia tăng cao, kim ngạch xuất khẩu lớn: năm 2015 xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 6,7 tỷ USD và đặt mục tiêu năm 2016 đạt trên 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi hội nhập. Quy định của thị trường sẽ ngày càng cao và nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc, trách nhiệm môi trường và bảo vệ nguồn lợi (IUU), thuế chống bán phá giá... Chẳng hạn, những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu thủy hải sản chủ lực của Việt Nam. Do đó, một trong những vấn đề căn bản để tận dụng được sự ưu đãi về thuế quan sau khi kí các hiệp định FTA và TPP đó là ta phải có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, ngành thủy sản cần nhanh chóng khắc phục bài toán giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh và giải quyết nạn ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, có như vậy mới phát triển bền vững được. Bởi hiện nay, giá thành sản phẩm thủy sản Việt Nam cao hơn so với các nước đối thủ, trong khi đó chi phí sản xuất tiếp tục tăng do đầu vào phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài (con giống, thức ăn, thuốc thú y).
Ví dụ, giá thành sản xuất một con tôm giống của Việt Nam hiện nay cao gấp gần 2 lần so với Ấn Độ. Chi phí cho thức ăn trong chăn nuôi tôm của Việt Nam cũng cao hơn bình quân 40%. Trong khi đó, do nhiều yếu tố môi trường và dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam hiện vẫn thấp, chỉ khoảng 33% - 40%, trong khi Indonesia hay Ấn Độ tỷ lệ nuôi thành công lên tới 70%. Những yếu tố này khiến giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn đối thủ từ 1- 3 USD/kg...
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sẽ hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu thủy sản 2016. Bộ cũng sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập FTA, TPP. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với ngành chức năng tổ chức quy hoạch lại những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Song song đó, ngành sẽ đề xuất các giải pháp để đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, thực hiện tổng điều tra và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến theo hướng tập trung ở các cụm công nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dễ quản lý…
Theo VASEP: Năm 2015, ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên tham gia TPP đạt gần khoảng 3 tỉ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại sẽ giúp thủy sản Việt Nam tiếp tục mở cửa và hội nhập hơn nữa vào các thị trường này.