Chiến lược F2F đề ra các sáng kiến quy định và không theo quy định, với các chính sách chung về nông nghiệp và thủy sản, là công cụ chính để hỗ trợ một quá trình chuyển đổi hợp lý và công bằng.
Chiến lược F2F đã đặt ra 5 mục tiêu chính cần đạt được vào năm 2030, bao gồm: Giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và 50% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguy hại hơn; Giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50% mà vẫn đảm bảo không làm suy giảm độ phì nhiêu của đất; Giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; Giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật nuôi và trong nuôi trồng thủy sản; 25% diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Để đảm bảo công bằng, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Vì vậy, chiến lược xanh hóa sản xuất là vấn đề mà doanh nghiệp cần nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành khi muốn tiếp cận thị trường EU lâu dài, cũng như đi theo quy luật phát triển tiến bộ trên thế giới. Trước tình hình đó ngành thủy sản Việt Nam luôn tìm ra các giải pháp thích ứng để đáp ứng được yêu cầu nhằm dễ dàng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Định hướng ngành trong giai đoạn tới phải đi vào chiều sâu để cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Đó là giảm khai thác và chuyển đổi sang nuôi trồng. Tiếp tục phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tiến tới sản xuất không có phát thải và đảm bảo tuân thủ các định hướng của thị trường trong thời gian tới để chủ động hội nhập. Trong giai đoạn tới có rất nhiều định hướng cần triển khai, từ Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đẩy mạnh triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, những mô hình mới, những định hướng mới trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Cục Thủy sản sẽ tiếp tục cùng với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và ngư dân trong quá trình thực hiện cũng như tổ chức triển khai để tới đây chúng ta có vùng biển xanh, sạch đẹp hơn, sản phẩm thủy sản được gắn nhãn xanh trên thị trường quốc tế, đảm bảo cam kết của chúng ta là không có phát thải và bảo vệ môi trường một cách tốt nhất, đồng thời đảm bảo đa dạng sinh học, đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển, những người làm ngành thủy sản phải được nâng lên một cách bền vững.
Rong biển
Doanh nghiệp Việt Nam chủ động xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp trên nền tảng các Tiêu chuẩn phù hợp thể hiện qua dấu hiệu chung là nhãn xanh, phối hợp và chia sẻ trên nền tảng quy tắc ứng xử, triển khai chương trình marketing- truyền thông đến đối tượng tiêu dùng thích hợp, là cơ hội để thủy sản xây dựng cộng đồng sản xuất thực phẩm xanh thực sự có nội lực để bứt phá, vượt qua mọi thách thức đạt tới những tầm cao mới.
Đối tượng nuôi có giá trị và không sinh khí metan hay làm giảm phát thải khí metan. Nuôi trồng tảo biển giảm phát thải khí metan hữu hiệu. Rong biển là một loại cây trồng biển có nhiều lợi ích cho con người và môi trường. Không chỉ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, rong biển còn là nguyên liệu cho nhiều sản phẩm công nghiệp như nhựa, sợi, dầu diesel và ethanol. Đặc biệt, rong biển còn là một loại thức ăn chăn nuôi tiềm năng. Các thành phần thức ăn chăn nuôi làm từ rong biển gần đây đã được nhấn mạnh như là một giải pháp khả thi để giảm phát thải khí mê-tan. Sử dụng rong biển làm thức ăn chăn nuôi không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe và hiệu quả sản xuất của động vật, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tiếp tục và triển khai mới các dự án giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, với nguồn hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Tìm các giải pháp thay thế như vaccine hay các hợp chất có nguồn gốc từ thiên nhiên, việc này sẽ trực tiếp làm giảm các cửa hàng bán thuốc kháng sinh trong ngành thủy sản.
Trên thực tế, hệ thống lương thực, thực phẩm của châu Âu đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu (từ thức ăn chăn nuôi đến gia vị và trái cây nhiệt đới). Vì vậy, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” thì chính sách thương mại của EU sẽ phải thúc đẩy hợp tác với các nước ngoài EU; đồng thời giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực bằng cách tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực, thực phẩm và giảm lãng phí thực phẩm. Đây cũng là cơ hội đề ngành thủy sản Việt Nam có những bước chuyển đổi phù hợp và phát triển hiện đại kéo theo sự phát triển của các ngành khác có liên quan.