Nghề nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao
Diện tích tiềm năng có thể đưa vào nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Nghệ An là 35.441 ha, trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 31.569 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ là 3.872 ha. Trong diện tích NTTS mặn lợ thì diện tích mặt nước nuôi tôm nước lợ là 1.772 ha, số diện tích này được phân bổ khá tập trung, có nhiều vùng có diện tích từ 100-200 ha tạo thuận lợi cho phát triển các vùng nuôi tập trung, tạo thành khu sản xuất nguyên liệu hàng hóa. Có thể nói, tiềm năng nuôi tôm nước lợ của Nghệ An là không lớn, cùng với điều kiện nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt của miền trung nói chung, nên tỉnh đã xác định phát triển nuôi tôm nước lợ với các định hướng cơ bản như tập trung vào hình thức nuôi thâm canh, hiệu quả kinh tế gắn với thích ứng niển đổi khí hậu, và lấy công tác quản lý làm giải pháp cơ bản. Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm của tỉnh Nghệ An đã có những bước phát triển tích cực và thực sự trở thành nghề sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ, giá vật tư đầu vào tăng cao, dịch bệnh vẫn tiếp diễn... nhưng các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 đều đạt khá. Diện tích nuôi tôm mặn lợ năm 2013 đạt 2.190 ha, bằng 125% kế hoạch và bằng 117% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, diện tích nuôi tôm vụ 1 đạt 1.320ha, vụ 2 đạt 870ha. Mật độ thả giống bình quân đối với tôm chân trắng từ 80-100 con/m2, tôm sú 15-20 con/m2 (bằng 95% diện tích thả nuôi tôm chân trắng). Năng suất bình quân nuôi toàn tỉnh đạt 4,24 tấn/ha (tính theo mặt nước nuôi), cao hơn nhiều so với năm 2012 với năng suất bình quân 8 tấn/ha, một số hộ nuôi điển hình đạt năng suất 15-20 tấn/ha.
Sản lượng tôm nuôi ước đạt 6.500 tấn, bằng 93% so với kế hoạch và bằng 133% so với cùng kỳ 2012. Do chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ sau cơn bão số 10 đổ bộ vào Nghệ An, trên 450 ha diện tích nuôi tôm vụ 2 đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng nên sản lượng tôm nuôi của cả năm chưa đạt so với kế hoạch.
Về thị trường tiêu thụ tôm, năm 2013, giá bán tương đối thuận lợi và cao hơn so với năm trước. Với giá bán cao hơn từ 20-30% so với năm 2012, tôm kích cỡ 100 con/kg có giá đầu vụ là 125.000 đồng/kg, từ tháng 8 đến tháng 12/2013 có giá 140.000 đồng/kg, người nuôi tôm có lãi hàng trăm triệu đồng/ha.
Sự đóng góp tích cực của công tác quản lý NTTS
Nghề nuôi tôm nước lợ và NTTS nói chung ở Nghệ An đạt được hiệu quả cao, một phần có sự đóng góp từ công tác quản lý con giống, quản lý nuôi trồng thủy sản được thực hiện nghiêm túc chặt chẽ của địa phương.
Trước hết, công tác tham mưu xây dựng các văn bản quản lý, chỉ đạo sản xuất trong nuôi trồng thủy sản đã được Sở NN&PTNT đặc biệt quan tâm. Công tác quy hoạch, quản lý chất lượng tôm giống và các cơ sở nuôi tôm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đã được triển khai tốt. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong quản lý NTTS giữa Chi cục Thú y tỉnh và Chi cục NTTS rất chặt chẽ và có hiệu quả cao. .
Ngay từ đầu vụ nuôi, Sở NN&PTNT đã thành lập tổ công tác do Chi cục NTTS chủ trì phối hợp với Chi cục Thú y, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý các đơn vị cung ứng tôm giống thả trực tiếp xuống ao đầm, không thực hiện ương gièo, kiểm dịch, kiểm định chất lượng trước khi thả giống. Cùng với đó, 100% tôm bố mẹ đưa vào sinh sản đều được kiểm tra chất lượng, mầm bệnh. Công tác kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi được triển khai thường xuyên, liên tục, qua kiểm tra đã tích cực hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở, vùng nuôi tôm đẩy mạnh áp dụng quy phạm thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý vùng nuôi của cơ quan chức năng. Công tác phòng và dập dịch bệnh luôn kịp thời do ngay từ đầu năm, Chi cục Thú y đã xây dựng kế hoạch phòng chống, dập dịch trong NTTS trình UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, không có dịch bệnh lây lan trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Song song với các hoạt động trên, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý thức ăn, thuốc, vật tư NTTS. Việc quản lý này được hai chi cục (Thú Y và NTTS) phối hợp nhịp nhàng và tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Năm 2013, đoàn liên ngành hai chi cục đã tiến hành 2 đợt kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học tại Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Tp Vinh. Kết quả, có 18 cơ sở được đánh giá, phân loại, trong đó có 13 cơ sở đạt loại A, 4 cơ sở đạt loại B và 1 cơ sở đạt loại C. Việc kiểm tra và phân loại này giúp cho Sở NN&PTNT dễ dàng quản lý và khuyến khích các cơ sở ở địa phương thực hiện tốt các tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, đồng thời giúp cho ngành nuôi trồng thủy sản địa phương vượt qua khó khăn và phát triển.