Có lẽ, trong tất cả các nghề đánh bắt thủy hải sản, nghề đóng đáy vùng Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Ba Lai, Hàm Luông, Soài Rạp... là nhọc nhằn, cơ cực nhất và cũng thuộc loại lâu đời nhất.
Sống đời đóng đáy
Có mặt ở cảng cá Vàm Láng vào sáng sớm tinh mơ, chúng tôi nhảy lên thuyền của anh Ba Kỳ, 42 tuổi, người ấp Chợ (thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông, Tiền Giang) để theo ra khu vực đóng đáy sông cầu của ngư dân vùng này. Ngồi trên thuyền, anh Ba cười bảo, nghề đóng đáy nhà anh có từ mấy đời rồi.
Tuy vất vả, cực nhọc, nhưng dù sao nó cũng là nghề truyền thống, đã nuôi sống nhiều thế hệ nên anh quyết tâm theo đuổi. Hiện nay, gia đình anh có 8 khẩu đáy ở khu vực cửa sông Soài Rạp này.
Anh Ba giải thích cặn kẽ cho chúng tôi rằng nghề đóng đáy là nghề đánh bắt thủy hải sản vùng ven sông lớn, cửa sông, cửa biển cạn gần bờ, dựa trên nguyên lý lên xuống của thủy triều.
Ngư dân sẽ dùng những cọc lớn bằng gỗ tràm, đóng sâu chừng 10m xuống đáy mặt nước theo hàng với khoảng cách mỗi khẩu đáy chừng 3 - 5m tùy theo khu vực nước êm hay dữ.
Sau khi đóng cọc, ngư dân sẽ dùng dây nhợ làm bằng chão (có thể thay bằng thép, kẽm chống gỉ) vừa để nối chúng lại với nhau, vừa để giữ cho không bị nước cuốn trôi và để ngư dân có thể di chuyển từ khẩu đáy này sang khẩu đáy kia. Đóng đáy xong, công việc tiếp theo là thiết kế lưới ở khẩu đáy.
Các loại lưới này thường có dây chì và dây nhợ rất chắc chắn, bởi có khi nước siết, lực chảy rất mạnh. Lưới phải vừa thông nước, vừa có kích thước sao cho không để lọt mất cá, tôm. Mỗi khẩu đáy đều có túi đựng thủy hải sản để thu hoạch nằm ở cuối. Như vậy, giữa mặt nước mênh mông, những hàng cọc của ngư dân sẽ chắn ngang mặt nước, khi thủy triều lên xuống, tạo ra dòng chảy sẽ dẫn các luồng cá di chuyển theo, chui vào túi qua các khẩu đáy.
Ngoài nghề đáy cửa sông, cửa biển, nhiều ngư dân vùng Cửu Long Giang còn làm đáy ở ven sông để khai thác thủy sản với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, nghề đáy sông khá nguy hiểm vì nó thường hay cản trở tàu bè đi lại nên ít người làm. Còn vùng các cửa sông lớn, như sông Soài Rạp này, nơi giao với Biển Đông rộng cả chục cây số nên ngư dân thoải mái đóng đáy mà không sợ cản trở giao thông đường thủy.
Mặt trời mới ló dạng trên Biển Đông cũng là lúc những hàng đáy sông cầu xuất hiện phía xa xa. Thoạt nhìn, hàng trăm chiếc cọc của ngư dân như chắn ngang vùng biển. Trên những hàng cọc, thấp thoáng những túp lều nhỏ bé, trơ trọi của những người canh đáy. Cập thuyền vào chòi gia đình mình, hai người bạn canh đáy nhảy xuống để lấy đồ ăn và nước ngọt.
Theo anh Hai Tý, người canh đáy nơi đây, trung bình khoảng nửa tháng các anh lại ra biển đi đáy một lần, mỗi lần chừng 3 - 4 ngày, tùy theo thời gian con nước. Trong nghề đóng đáy, khâu găm lưới là quan trọng và cơ cực nhất bởi khi ấy, thợ đáy phải lặn sâu xuống biển để đưa lưới vào đúng vị trí khẩu đáy, nếu không, các luồng cá sẽ chạy ra ngoài hết.
Găm đáy xong, mọi người lên thuyền nấu cơm ăn. Mỗi lần đóng đáy xong, theo phong tục, ngư dân thường làm mâm cơm sơ sài cúng biển gọi là chút lòng thành để mong Trời đất phù hộ cho cá, tôm nặng đáy. Lần này, lễ cúng là một đôi gà trống làm thịt sẵn mà anh Ba Kỳ mua ở cảng cá Vàm Láng mang theo.
Mặt trời đứng bóng, vùng biển trở nên trong xanh lạ thường, nhìn xa xa phía Tây, anh Ba cười, kia là đất liền và những hàng cây nước mặn phía Gò Công, bên trái là mạn Long Hựu của Long An, còn bên phải là vùng Lý Nhơn, Cần Giờ (TP.HCM), trước mặt là vùng Núi Dứa ở thành phố Vũng Tàu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khác với nghề đáy sáo, đáy chạy ở vùng Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, nghề đóng đáy sông cầu này chủ yếu hoạt động ở vùng cửa sông giáp biển, kéo dài ra phía biển khoảng 10 cây số đổ lại bởi khi ra xa, nước sâu quá, không thể đóng cọc đáy được nữa.
Ước tính, đáy sông cầu thu hút khoảng gần 150 ghe theo nghề, với khoảng 1.200 khẩu đáy, trải dài từ đoạn gần Cửa Tiểu, cửa Soài Rạp cho tới vùng Biển Đông giữa địa phận ba địa phương là Vũng Tàu, Tiền Giang và TP.HCM, trải rộng trên diện tích hàng trăm cây số vuông bờ biển, thu hút khoảng gần 600 lao động.
Gian nan từng con nước
Khác với các loại nghề đi biển khác đang bị mai một vì giá cả, chi phí xăng dầu tăng cao, nghề đáy sông cầu vẫn thu hút khá đông lao động nghề biển ở một số địa phương, bởi nghề này không phải đi nhiều, chi phí ít hơn.
Tuy nhiên, nó lại khổ cực hơn bởi khi tận mắt chứng kiến những người thu đáy làm việc, tôi mới rùng mình vì sự nguy hiểm và bấp bênh của nó. Hiện nay, đang là mùa biển lặng, sóng êm nên việc các thợ đáy chuyền từ khẩu đáy này sang khẩu đáy kia rất đơn giản, chứ mùa mưa bão, gió lớn, các chòi cọc rung bần bật thì việc thu đáy rất khó khăn.
Nếu sơ sẩy, bị rớt xuống nước, không mất mạng cũng khó vẹn toàn cơ thể do hệ thống dây nhợ, dây thừng nhiều, cộng thêm tay lưới nên khó bơi được như ý, dễ mắc xuống đáy biển. Hàng trăm tai nạn nghề đáy đã xảy ra, cướp đi sinh mạng bao người, làm mất rất nhiều của cải, vật chất của ngư dân. tai nạn thường chỉ xảy vào mùa mưa bão, nước chảy siết, gió lớn.
Khi thu đáy, hai người đàn ông to khỏe phải lặn xuống kéo túi lưới lên, hai người ở trên có nhiệm vụ dốc cá tôm vào khoang. Ngoài ra, việc thả lại đáy và ghim cho chúng nằm sát dưới đáy biển, thuận theo chiều con nước chảy cũng rất nguy hiểm, cần những thợ đáy lành nghề, có sức khỏe dẻo dai. Với 8 khẩu đáy, sau hơn 2 tiếng thu hoạch, tàu anh Ba cũng được gần 4 thùng ruốc kèm theo ít bạch tuộc, mực và ghẹ con.
Với giá bán như hiện nay tại cảng Vàm Láng, mỗi thùng ruốc anh thu về khoảng 4 - 5 trăm ngàn đồng. Hiện nay, nghề đáy sông cầu của ngư dân Vàm Láng chủ yếu là thu hoạch ruốc và số ít cá mối chứ không có cá lớn như những mùa khác trong năm nữa.
Không chỉ có ngư dân Vàm Láng, ven khu vực này còn có nhiều ngư dân khác ở Cửa Tiểu, Tân Thành, Kiểng Phước (Tiền Giang) và một số ngư dân bên Bến Tre, Vĩnh Long cũng sang đây đóng đáy “ké” trên vũng nước ở Vàm Láng.
Với những người đóng đáy, đây là niềm vui vì có thêm nhiều bạn bè, bởi nguồn lợi biển là của chung, nếu không đánh bắt, hết mùa chúng cũng trở lại tự nhiên mênh mông. Trong tâm thức những ngư dân miền Tây chân chất, có thêm bạn bè giữa mênh mông sóng nước chính là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến chứ họ không hề ganh ghét, đố kỵ nhau.
Chia tay hàng đáy của gia đình anh Ba Kỳ, chúng tôi sang hàng đáy của anh Lộc Hói để trở lại đất liền. Ngồi trên thuyền, vừa uống nước, anh Lộc vừa cười hể hả nói: “Đợt này thả đáy có 3 ngày mà cũng kiếm được gần 30 thùng ruốc và mấy thùng ghẹ, mực với ít cá để ăn. Ước tính, tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, đá lạnh, vá lưới, chắc trả mỗi anh em được 1,5 triệu đồng, rồi đợi con nước sau”.
Trên cảng Vàm Láng, Mặt trời đang ngả bóng buổi hoàng hôn, chúng tôi thấy nhiều ghe thuyền đang chuẩn bị lưới để đi đóng đáy. Họ cũng là những ngư dân làm nghề đáy sông cầu nhưng thường thả đáy ban đêm, khi con triều lên. Nhìn những cánh tay đen sạm, rắn rỏi, những nụ cười rạng rỡ, những khuôn mặt hăm hở, chúng tôi thầm mong cho họ có một con nước thuận lợi.
Cũng như chúng tôi, họ chỉ mong sao cho sóng êm biển lặng để những giàn đáy mãi đứng vững ngoài cửa biển kia, mang lại cho gia đình, con cái họ một cuộc sống bình yên