Với người dân Cần Giờ, rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM) không chỉ là lá phổi xanh của TP mà còn là nơi mưu sinh của hàng trăm con người với đủ loại nghề như: giăng câu bắt cá ngát, móc cua biển, bẫy bạch tuộc, đào sá sùng….
Rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, là lá phổi xanh điều hòa không khí và cũng là nơi cung cấp nhiều loài thủy hải sản quý giá cho người dân trong vùng.
Một buổi chiều cuối tháng 4, chúng tôi được anh Đặng Thành Phát (37 tuổi, quê Long An) đưa ra chiếc ghe và cũng là “căn nhà di động” của mình đang neo đậu ở rạch Lôi Giang (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) để trải nghiệm công việc mưu sinh của ngư dân nơi đây.
Từ đường Rừng Sác, anh Phát điều khiển xuồng máy “xé rừng”, luồn lách qua hàng trăm gốc đước, gốc bần nằm đan xen nhau để ra đến nơi neo đậu ghe.
Anh Phát bảo, rừng Cần Giờ cho gì thì mình nhận đó, mình dựa vào rừng để kiếm sống nên vừa đánh bắt nhưng cũng phải cùng nhau bảo vệ rừng, vì đó là sinh kế của người dân.
Mùa này anh Phát giăng câu bắt cá ngát. Đến cuối tháng 5, khi Nam Bộ bước vào mùa mưa thì chuyển sang săn bạch tuộc, đi soi nha (ba khía) hay bẫy thòi lòi….
Những chiếc lưỡi câu để săn cá ngát.
Theo anh Phát, trước đây, ở Cần Giờ cá ngát nhiều đến mức người ta chẳng thèm ăn, nhưng hiện nay đã trở thành món đặc sản được các quán ăn, nhà hàng trên thành phố về săn lùng, với giá 100.000 đồng/kg.
Anh Phát cho biết, nghề giăng câu bắt cá ngát không khó, tuy nhiên mình phải có kinh nghiệm mới câu được nhiều cá. Thường cá ngát là loài ăn tạp, thích sống những nơi sâu, nước xoáy và có nhiều gốc cây, hang đá hoặc rọ đá.
“Cá ngát khoét hang sâu đến 2-3m dưới vực sông sâu. Thậm chí, chúng còn khoét hang quanh những bụi cây đước, cây mắm bị sạt lở nên khó bắt lắm”, anh Phát chia sẻ.
Móc mồi câu
Cũng theo anh Phát, muốn câu được nhiều cá, đòi hỏi người giăng câu phải thật kinh nghiệm và thông thạo các đoạn sông. Điều đặc biệt là phải chọn đúng loại mồi cá ngát ưa thích để dụ được chúng. “Thông thường cá ngát ăn tạp, nhưng cũng rất kén mồi, nó thích nhất là mồi còng (con còng) và tôm nhưng phải còn tươi”, anh Phát tiết lộ.
Theo anh Phát, cá ngát thường săn mồi vào thời điểm rạng sáng, lúc con nước lớn. Tầm khoảng 23h đêm, sau khi móc mồi vào 2 thùng dây câu dài cả cây số, anh Phát lên chiếc vỏ lãi nổ máy nhắm thẳng đến đoạn sông nghi có nhiều cá ngát rồi bắt đầu công việc thả câu. Công việc thả câu kéo dài khoảng 1 giờ thì kết thúc.
Công việc thả câu bắt đầu lúc 23h đêm
Đến khoảng 5h sáng hôm sau, anh Phát cùng người em dậy chuẩn bị dụng cụ để đi thu câu.
Với kinh nghiệm của mình, chỉ cần con cá nào dính câu, anh Phát đã phát hiện cách đó vài chục mét. Những chú cá ngát to cắn câu, kéo mạnh sợi dây cước khiến chúng tôi cảm thấy rất phấn khích.
Khi chú cá ngát được kéo lên khỏi mặt nước, quẫy mạnh trên ghe, anh Phát bảo phải né ra xa, đề phòng trường hợp bị cá đâm vào người.
Lúc này, chiếc kìm trên tay anh Phát mới được sử dụng đến. Chỉ sau vài giây, chiếc kìm được anh Phát đưa vào bẻ 3 ngạnh cá rất sắc nhọn, sau đó công đoạn tháo lưỡi câu mới được tiến hành.
Và việc kéo câu diễn ra khoảng 5h sáng hôm sau
“Nếu không bẻ ngạnh mà tháo lưỡi câu ngay thì nguy cơ bị cá đâm rất cao. Bị cá ngát đâm nếu nhẹ thì hành sốt, nặng thì phải nhập viện cấp cứu”, anh Phát chia sẻ.
Thành quả sau một đêm giăng câu là 13kg cá ngát, thu về hơn 1 triệu đồng. Anh Phát bảo đêm nay gặp may, có nhiều đêm chỉ được vài ký đủ ăn thôi.
Với những con cá to, phải dùng vợt để tránh bị sẩy mất.
Chiếc kìm khéo léo đưa vào để bẻ các ngạnh cá.
Thêm một chú cá ngát nữa dính câu
Theo anh Phát, những con cá ngát tuy nhỏ nhưng rất nguy hiểm vì chúng quẫy rất mạnh, anh Phát phải khéo léo để chế ngự được chúng
Một chú cá ngát nặng khoảng 2ký
Thành quả trong chuyến giăng câu là hơn 13 ký cá ngát, thu về cả triệu đồng