Gió bấc về, dấu hiệu báo mùa xuân gần đến cũng là thời gian rộn ràng nơi thủ phủ nuôi cá bổi ở vùng đất Cà Mau. Thế nhưng, đã bước qua tháng 11 âm lịch rồi, dạo quanh các xóm làng nuôi cá bổi, không khí đìu hiu, vắng lặng bao trùm. Lâu lắm mới nghe tin có người “lên cá” mà kết quả cũng chẳng vui vẻ gì.
Giá cá bấp bênh
Một buổi sớm mai, nghe tin ông Bình bán lúa, mấy ông bạn hữu vội đến thăm. Lúa ST24 mà gặp cảnh thiên tai, thất thu, giá rẻ bèo 4.000 đồng/kg nhưng nông dân như ông Bình cũng đành chịu, bởi không bán thì khổ vì nợ nần vụ lúa rồi vẫn còn nguyên. Bên ly trà quạu, các lão nông lại tiếp tục tâm tình về chuyện nuôi cá bổi năm nay. Bàn thì bàn vậy thôi, chớ ông nào cũng thở dài, rầu rĩ. Lão nông Phạm Thanh Bình, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trần Hợi, lắc đầu ngao ngán: “Năm nay thua. Lúa thì thất, đến cá cũng đang đứng trước bờ vực thất bại”.
Là người gắn bó khá lâu với con cá bổi U Minh, ông Bình tường tận nghề nuôi cá bổi như lòng bàn tay. Ông bảo, những năm 90, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá bổi tại hộ của ông và ông Hai Hoàng gần nhà, hỗ trợ 100% vốn, 10 triệu đồng/hộ, lúc ấy là khoản tiền vô cùng quý. Mô hình thành công mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong sản xuất đối với bà con Ấp 1 này. Tiếp đà ấy, bà con Trần Hợi mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi cá bổi công nghiệp. Cũng nhờ con cá bổi mà đời sống bà con phất lên trông thấy. “Hồi xưa, làm chơi chơi mà ăn thiệt. Còn giờ, làm chỉn chu, bài bản mà lại chẳng có ăn”, ông Bình tâm sự.
Mỗi năm, cứ đến mùa thu hoạch cá bổi, những lão nông nuôi cá bổi như ông Bình lại phập phồng từng ngày. Hồi hộp riết muốn bệnh tim, nghe đầu vụ cá có giá thì biết vậy thôi chớ đâu dám chắc. Bởi hầu như mấy năm gần đây, điệp khúc tới lúc cá lên là rớt giá cứ lặp đi lặp lại. Năm nay cũng vậy, lúc đầu cá được ngoài 50.000 đồng/kg, nhưng từ khi ảnh hưởng của thiên tai, giá cá cứ tụt dốc, đến nay chỉ còn 32.000-34.000 đồng/kg, loại 8 con/kg.
Sau nhiều năm nuôi cá bổi, theo ông Bình, nếu giá cá nằm ở 39.000 đồng/kg là nông dân đã không có lời, huống chi hiện tại quá thấp. Thế nên, 2 ao nuôi cá bổi, 5-6 con/kg, sản lượng ước tầm 10 tấn của ông Bình chỉ còn biết nằm chờ thời.
Cũng chỉ còn biết chờ đợi như ông Bình, ông Bảy Xệ (Lê Văn Xệ, Ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) buồn bã nói: “Năm nay khó khăn đủ bề. Hạn hán, cá chậm lớn, chi phí tăng, đến thu hoạch thì giá thấp. 10 tấn cá của tôi đang phải đợi”.
Giá cá quá thấp, vụ mùa năm nay gia đình ông Đồng Đức Hạnh (bên phải) đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Gắng cầm cự 1 tháng nữa xem sao, thế nhưng, với ông Bảy Xệ và bao nông dân nuôi cá bổi như ông, còn chờ giá ngày nào là ăn ngủ không yên ngày đó. “4 ao cá của tôi mỗi ngày phải bỏ ít gì cũng 5 triệu đồng tiền thức ăn. Chờ giá, mình giảm lượng thức ăn lại nhưng chỉ bớt được phần nào thôi, chớ giảm mạnh không được”, ông Bảy Xệ bộc bạch.
Cái khó ở chỗ 4, 5 triệu bạc ấy đâu phải là tiền có sẵn trong túi mà là nợ chồng nợ nơi đại lý. Đa phần những nông dân nuôi cá bổi như ông Bảy Xệ thì 70% đều là ăn trước trả sau. Và cũng ở chỗ không tự chủ về vốn trong sản xuất ấy đã dẫn đến bao hệ luỵ.
Ông Bảy Xệ cho biết: “Chỉ 2 tháng đầu là mình xuất tiền mặt để mua thức ăn. Phần còn lại là mua chịu thức ăn nơi đại lý đến khi thu hoạch rồi trả. Ngặt nỗi, giá cá quá thấp, có lên cá nhưng nông dân không có lời hoặc lỗ nặng thì lấy tiền đâu trả, thế là nợ chồng nợ. Rồi cuối vụ không có tiền thanh toán thì phải gánh thêm tiền lãi, với mức 1,5%/tháng”.
Nợ bủa vây
Thiếu vốn sản xuất, xoay đầu này gỡ đầu kia, rồi cảnh giá cả bấp bênh, đầu vào tăng cao, vậy nên nông dân cứ khổ trăm bề. Câu chuyện mất đất của lão nông Hai Hoàng (Lê Vũ Hoàng, Ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) là minh chứng buồn cho nghề nuôi cá bổi của bà con nông dân.
Ông Hai Hoàng tâm sự: "6, 7 công đất trước đây làm lúa gặp nhiều cái khó, tới chừng thu hoạch, có máy vô thì lúa đã lên mọng". 8 năm trước, ông Hai Hoàng cải tạo đất, trồng cây ăn trái, nuôi cá bổi. Những năm hoàng kim của nghề, qua mỗi vụ mùa, tiền lời có được, lão nông Hai Hoàng lại đầu tư mở rộng ao nuôi. Với 6 ao nuôi, có thể nói là nhiều nhất, nhì trong ấp, trong xã. Nhưng mấy năm liền giá cả rơi vào cảnh không tưởng tượng được, ông Hai Hoàng lâm nợ nần. Năm rồi, ông không cầm được nước mắt khi buộc phải ký giấy sang nhượng phần đất cho chủ nợ là đại lý thức ăn. Thấy tình cảnh khó, vụ mùa năm nay, ông Hai Hoàng chần chừ không dám nuôi. Nhưng bỏ ao thì tiếc, vậy là thả nuôi vài ao cá hy vọng gỡ gạc chút đỉnh, có tiền trả bớt phần nào tiền nợ còn thiếu đại lý, nào ngờ cơ hội ấy quá mong manh.
Ông Bảy Xệ cho biết thêm: “Trước đây, để có vốn mở rộng sản xuất, tôi thế chấp sổ đỏ, vay tiền ngân hàng. Nhưng rồi nuôi chẳng thấy lời, đến giờ 430 triệu đồng vốn vẫn chưa trả, mà mỗi năm phải gánh mấy chục triệu đồng tiền lãi”.
Ông Đồng Đức Hạnh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ấp 1, thông tin: “HTX có 14 thành viên, với gần 20 ha nuôi cá bổi. Vụ mùa năm nay coi như thất, hiện chỉ có vài hộ thu hoạch, còn đa phần đang phải nằm chờ”. Riêng ông Hạnh, 6 tấn cá cứ kêu thương lái hoài mà hẹn lần hẹn lựa. Không chờ được nữa vì mỗi ngày đợi chờ là tiền lỗ càng nhiều, biết thu hoạch với giá cả hiện nay thì cầm chắc thiệt bạc trăm triệu nhưng ông Hạnh đành ngậm đắng nuốt cay.
Ông Bình nghẹn ngào: “Nông dân tụi tôi mặn mà với nghề nuôi cá bổi này lắm chớ. Sông nước U Minh nuôi cá này quá tuyệt vời. Nhưng khó từ đầu vào đến đâu ra, nếu không được Nhà nước tháo gỡ thì chúng tôi đành buông thôi, không cầm cự được nữa!”.
Nhãn hiệu tập thể Cá khô bổi U Minh giúp con cá bổi Cà Mau ngày càng vươn xa. Vậy mà những nông dân góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu để tạo nên niềm tự hào ấy lại chưa thể yên tâm làm giàu từ nghề nuôi cá bổi. Điều nghịch lý và cũng thật đáng tiếc biết bao. Hơn lúc nào hết, họ đang cần những giải pháp căn cơ để tương lai nghề truyền thống ấy sẽ không lụi tàn.