Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và các đối tác nước ngoài phát hiện ra rằng gần một nửa lượng khí metan trong vùng biển nông giàu dinh dưỡng được vi khuẩn tiêu thụ trước khi thải vào khí quyển - Tân Hoa Xã đưa tin.
"Phát hiện này ngụ ý rằng vai trò của quá trình ôxy hóa vi sinh vật để loại bỏ khí metan quan trọng hơn chúng ta nghĩ trước đây, vì nó làm giảm đáng kể lượng khí thải metan toàn cầu từ các vùng nước nông" - Zhuang Guangchao, nhà hóa học biển thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.
Zhuang giải thích, khí metan là khí nhà kính quan trọng thứ hai và tiềm năng làm nóng toàn cầu của nó lớn hơn 20 lần so với khí CO2. Do đó, việc giảm lượng khí thải metan toàn cầu là rất quan trọng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Ông Zhuang cho biết, đại dương là nguồn tạo khí metan trong khí quyển và vùng nước nông ven biển chiếm ưu thế trong việc phát thải khí metan trong đại dương toàn cầu. Trong khi đó, quá trình ôxy hóa vi sinh vật hoạt động như một bộ lọc sinh học có thể giảm thiểu lượng khí thải này.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã kết hợp một bộ phân tích địa hóa và vi sinh vật cũng như các mô hình máy học để nghiên cứu chu trình khí metan trong đại dương. Họ đã định lượng tốc độ ôxy hóa khí metan trong vùng biển nông trên toàn cầu và ước tính vai trò của chúng trong việc phát thải khí metan trong đại dương.
"Đây là ước tính đầu tiên về tốc độ ôxy hóa metan ở vùng nước nông trên quy mô toàn cầu, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chu kỳ của loại khí nhà kính quan trọng này" - Zhuang nói và cho biết thêm rằng nghiên cứu này cũng có ý nghĩa to lớn trong việc giúp giảm lượng khí thải metan ra đại dương và đạt được mục tiêu trung hoà carbon.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học từ Đại học Hải dương Trung Quốc, Đại học Hạ Môn, Đại học College London (Anh), Đại học Bang Montana và Đại học Georgia (Mỹ).