Khi vào địa phận Đức Phổ, dòng sông này lại góp thêm nước của cả ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển nên được xem là sông mẹ.
Bao suối khe, kênh rạch đôi miền xuôi - ngược hòa nước chung dòng tạo vẻ thơ mộng cho sông Thoa trước khi đổ ra biển lớn qua cửa biển Mỹ Á. Nơi cuối dòng sông lượng thủy sản khá phong phú, nuôi sống bao kiếp người dân quê hiền hòa, hiếu khách.
Chiều hạ, nhiều người dân đôi bờ lội bì bõm tìm bắt những loài thủy sinh sống nơi đáy sông mang về làm thức ăn trong bữa cơm gia đình. Sau những buổi như thế, mỗi người kiếm được khoảng mươi ký trai, ốc, chem chép, hến… vừa được vớt lên từ làn nước xanh trong. Nhưng với họ, mớ hến kình (dộp dộp) luôn được “ưu ái”, dùng để chế biến nhiều món ngon trong ngày hè oi bức.
Hến kình là loài thủy sinh thân mềm có hai mảnh vỏ bên ngoài, trông rất giống nhưng lớn hơn hến gấp nhiều lần. Vì thế, người dân nơi đây gọi là hến kình. Sau khi mang về, hến kình được rửa sạch và ngâm trong nước vo gạo vài giờ. Tiếp đến, vớt hến ra rổ rồi sơ chế, bỏ hai mảnh vỏ bên ngoài, lấy phần thân trong rửa sạch. Thân hến dùng để chế biến các món: nấu cháo, nấu canh, xào, nướng… đậm đà hương vị sông quê.
Đơn giản và không kém phần ngon ngọt là món hến luộc chấm với bột nêm vắt thêm ít nước tắc. Hến để nguyên vỏ, rửa sạch cho vào nồi cùng ít nước, thêm vài nhánh sả đập dập rồi đun trên bếp. Lát sau, hến chín nở bung hai mảnh vỏ thì nhấc xuống khỏi bếp, hái mớ lá chanh non và vài trái tắc sau vườn rửa sạch. Dùng vá múc hến ra đĩa, điểm thêm vài lá chanh non tơ trông thật bắt mắt. Xé gói bột nêm mì tôm cho vào chén rồi vắt tí nước tắc là đã có hỗn hợp nước chấm tuyệt hảo.
Bột nêm đủ đầy vị cay, mặn, ngọt quyện với vị chua của tắc làm cho thịt hến thêm dai và ngọt mềm. Dùng tăm tre găm miếng thịt hến chấm nước bột nêm rồi đưa vào miệng chậm rãi thưởng thức. Hến kình sống dưới đáy hấp thụ phù sa cùng tinh túy của dòng sông dâng cho đời miếng thịt dai và ngọt mềm. Nước chấm quyện với hương vị của thịt hến càng thêm đậm đà, tạo dư vị khó phai.