Khi vùng biển Hà Tĩnh bước vào “mùa gió chướng”, việc ra khơi đánh bắt hải sản của ngư dân gặp khó thì đây là lúc ngư dân một số xã ven biển huyện Kỳ Anh đi hái “lộc trời” – rong biển (người địa phương gọi là mứt biển) .
Người dân xã Kỳ Xuân ra các bãi đá tìm rong biển
Rong biển thường mọc trên các tảng đá nằm ven bờ biển, chỉ xuất hiện từ đầu tháng 10 âm lịch sau những trận mưa lớn và kéo dài đến hết tháng Giêng khi tiết trời bắt đầu ấm lên.
Rong biển thường xuất hiện sau những trận mưa và mọc bám trên những tảng đá.
Mùa rong biển thường trùng với thời điểm biển động nên thu hút khá đông ngư dân nhàn cư đi hái lộc trời. Thời điểm thích hợp để người dân đi lấy rong biển là khi nước thủy triều rút. Đồ nghề để cào rong biển khá đơn giản, người dân thường dùng những miếng kim loại được cán mỏng, hình tròn, nhỏ vừa lòng bàn tay để lấy rong ra khỏi đá và một chiếc vợt để đựng rong sau khi lấy.
Đồ nghề để lấy rong biển khá đơn giản
Quan sát quá trình cào rong biển của người dân thì việc lấy được “lộc biển” không phải chuyện đơn giản. Nếu muốn lấy được rong biển bám trên các tảng đá, người dân phải trang bị những bộ trang phục gọn gàng, chân đi dép rọ hoặc đi tất để có độ bám để tránh trơn trượt.
Chị Trần Thị Huệ, 45 tuổi, thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân, bắt đầu công việc cào rong biển từ thời còn thanh niên. Chị Huệ cho biết, tuy nghề này vất vả, nhưng cứ đến mùa rong, hằng ngày từ sáng sớm chị cùng với những người dân trong thôn lại ra biển kiếm thêm thu nhập. Sau mỗi chuyến đi nếu nhiều chị gom được khoảng 5kg, ít thì vài kg.
Rong được rửa qua nước lạnh rồi đem lên khuôn để phơi khô
Biển mấy hôm nay có sóng lớn nên bố con ông Phạm Ngọc Cảnh (50 tuổi, thôn Lê Lợi) về nhà sớm hơn thường lệ. Theo ông Cảnh, nếu thời tiết thuận lợi thì bình thường bố con ông lấy được khoảng 10kg.
“Ngoài nghề chính là đi biển, việc đi cào rong đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình ở Kỳ Xuân. Có ngày gia đình tôi thu nhập khoảng từ 1 đến 3 triệu đồng từ nghề đi cào rong biển, tuy nhiên cũng có ngày được rất ít”, ông Cảnh nói.
Rong biển khô hiện có giá từ 2-3 triệu đồng/kg
Theo bà Trần Thị Hoa (60 tuổi, thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân), rong biển sau khi đem về được rửa qua vài lần bằng nước ngọt sau đó vắt sạch nước rồi cho lên khuôn tròn để phơi khô. Mỗi kg rong phơi khô được bán với giá từ 2 đến 3 triệu đồng tùy loại.
Theo người dân địa phương, rong biển có nhiều ở các xã bãi ngang ven biển huyện Kỳ Anh, tuy nhiên rong biển ở xã Kỳ Xuân thường được khách hàng ưa chuộng hơn vì có vị ngọt, ngon hơn những địa phương khác.