Từ hiệu quả kinh tế cao, nhiều ngư dân ở thị trấn An Thới và các xã Gành Dầu, Hòn Thơm, Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc), đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển nuôi cá trên biển.
Đến nay, nghề nuôi cá bè trở thành một nghề chuyên nghiệp của 87 hộ ngư dân nơi hòn đảo ngọc này. Tổng diện tích mặt nước nuôi cá lồng bè trên biển hiện nay ở Phú Quốc hơn 18.000m2, sản lượng 500 tấn/năm trở lên và giá trị cá thương phẩm thu về hơn 50 tỷ đồng.
Để thả cá nuôi, ngư dân dùng thùng phuy nhựa và những tấm ván kết bè, bao lưới xung quanh làm lồng bè, nhưng cách làm này hiện nay nảy sinh những bất cập, vốn đầu tư khá lớn, gặp khi thời tiết xấu, nhất là giông bão xảy ra, sóng to, gió lớn dễ bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Minh Trực, trưởng phòng kinh tế huyện Phú Quốc, cho biết kết bè bằng thùng phuy nhựa để nuôi cá không còn phù hợp trong điều kiện thời tiết trên biển diễn biến bất thường. Bè thường bị đứt dây neo, dây chằng trôi đi khi có sóng to, gió lớn gây thiệt hại cho ngư dân.
Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc phối hợp với một số ngư dân đang thử nghiệm lồng bè nuôi mới, chi phí đầu tư thấp, chống sóng gió hiệu quả hơn. Cụ thể là sử dụng ống nước nhựa kết thành sườn hình cầu bao lưới xung quanh để nuôi cá. Loại lồng hình cầu này nhẹ nhàng, chi phí đầu tư thấp, khó bị sóng gió cuốn trôi.
Theo ông Trực, việc nuôi cá bớp lồng bè trên biển mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được khẳng định qua nhiều vụ nuôi, ngư dân rất phấn khởi, nhưng về môi trường chưa thật sự đảm bảo dễ gây bệnh cho cá. Nguyên nhân thức ăn cho cá chủ yếu là nguồn cá tạp nên rất dễ ô nhiễm môi trường nước biển khi phát triển nghề này quy mô lớn hơn.
Trước mắt, chủ trương của huyện Phú Quốc không khuyến khích phát triển nhiều thêm mà cần quy hoạch hợp lý, với những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu cho từng khu vực ngư trường, vừa đảm bảo môi trường nguồn nước bền vững, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi cá lồng bè của ngư dân.