Mất điện lưới liên tục trong thời gian qua và có khả năng còn kéo dài trong những ngày tới, khiến những hộ nuôi tôm thấp thỏm lo âu. Bởi với con tôm nuôi thâm canh trong ao đầm, nếu quạt nước ngừng hoạt động chỉ ít phút là tôm nổi hết lên mặt nước, thiệt hại tiền tỷ.
Để chủ động phương án đối phó với tình trạng mất điện lưới luân phiên như những ngày qua, nhiều chủ đầm tôm quy mô lớn trên địa bàn Nghệ An đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy phát điện "khủng".
Ông Nguyễn Cường ở xóm 2, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu là chủ đầm tôm quy mô 5ha ao đầm cho biết, ông đã gắn bó với nghề nuôi tôm hàng chục năm nên bản thân đúc rút được nhiều kinh nghiệm, nhất là vào mùa Hè thường mất điện lưới. Hiện nay, toàn bộ diện tích ao đầm đã đầu tư nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, nên đòi hỏi lượng điện tiêu thụ hàng ngày lớn. Vì thế, mỗi khi mất điện lưới, anh phải sử dụng máy phát điện công suất lớn để toàn bộ hàng chục guồng máy quạt nước và các thiết bị phục vụ nuôi tôm khác duy trì hoạt động.
"Trước đây tôi đã sắm 2 máy phát điện. Trong đó 1 máy công suất 15 Kw và 1 máy 100 Kw, nhưng chỉ đáp ứng được 2/3 diện tích ao nuôi. Để cung cấp điện cho toàn bộ 5ha cần phải có máy phát điện công suất cao hơn. Do vậy, mới rồi tôi đầu tư 300 triệu đồng, mua thêm 1 máy phát điện công suất lên tới 150 Kw. Theo đó, dựa vào diện tích ao nuôi hiện có để sử dụng máy phát điện cho phù hợp. Với phương án đối phó này, gia đình không còn lo mất điện nữa, tuy nhiên, mức chi phí để chạy máy phát điện là khá cao", ông Nguyễn Cường chia sẻ.
Với những hộ nuôi tôm có quy mô nhỏ hơn, phương án đối phó mỗi khi mất điện lưới cũng được quan tâm hàng đầu. Ông Hồ Đình Thắng, chủ đầm tôm ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu trăn trở: Mất điện luân phiên kéo dài nhiều giờ/đợt như những ngày qua khiến người nuôi tôm buộc phải chi phí gấp nhiều lần để mua nhiên liệu chạy máy phát điện.
Với con tôm nuôi, cần phải vận hành quạt nước thường xuyên để cung cấp đủ ô xy trong ao. Ảnh: Xuân Hoàng
Gia đình ông Thắng hiện nuôi 2 ao tôm, phải sử dụng 4 quạt nước. Ông cho biết, nếu như vận hành 1 quạt nước thì sử dụng máy phát điện 15 Kw là đủ, trường hợp vận hành một lúc 4 quạt nước thì phải sử dụng máy phát điện 50 Kw. Do vậy hiện nay ông Thắng đã đầu tư mua 4 máy phát điện, trong đó 3 máy có công suất 15 Kw/máy và 1 máy công suất 50 Kw.
"Từ giữa tháng 5 đến nay là thời điểm thường xuyên mất điện luân phiên, để cứu con tôm, gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua nhiên liệu chạy máy phát điện. Nếu như tình trạng mất điện còn kéo dài thì chi phí để mua dầu rất nhiều. Bởi, đối với tôm nuôi cần phải chạy quạt nước gần như liên tục 24/24 giờ, chỉ có dừng hoạt động những lúc cho tôm ăn", ông Thắng cho hay.
Nuôi tôm là nghề đòi hỏi đầu tư lớn từ khâu xử lý ao đầm đến con giống, thức ăn, vật tư... do vậy nếu gặp rủi ro thì chủ đầm thiệt hại tiền tỷ. Mùa Hè năm nay tình trạng mất điện luân phiên kéo dài khiến các chủ đầm tôm phải tăng chi phí, thua thiệt đủ đường, trong khi đó, giá tôm thương phẩm hiện tại rất thấp, chỉ 130.000 - 160.000 đồng/kg.