Lẽ cố nhiên, những cặp đùi “điền kê” trắng phau, chắc nịch ngọt thơm ngang ngửa thịt gà ta luôn là nguồn hứng khởi vô tận với bao cái miệng biết ăn. Song, với bè ếch nuôi thì càng dở tệ. Thịt nó nhão và lạt thếch. Do vậy, những đầu bếp cứng nghề thường cố “đẩy” vào nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, nhằm bù đắp được phần nào hay phần nấy. Kế tiếp, họ phải chiên nguyên liệu trong chảo dầu/mỡ sùng sục sôi, để ép bớt lượng nước trong thịt ếch vốn béo phì ra chạy ra. Do bị nuôi nhốt, nên chúng thiếu vận động mà vẫn cứ cắm đầu ăn uống lu bù.
Tuy nhiên, mọi cố gắng vừa kể của những tay đầu hỏa già dặn, cũng chỉ cho ra một dĩa ếch chiên nước mắm điểm xuyết ít tiêu sọ giã và khoác lớp áo hồng (“áo” nhiều loại bột chiên xù, vụn bánh mì…phối lại) giòn rụm; rằng thơm thì thật là thơm nhưng toàn những mùi vị không phải ếch!
Mặc dù vậy, thời buổi tốc độ, nhiều thực khách sẵn tiền, bệ vệ bước vào hàng quán thường chuộng những thứ hơi… đồ sộ mới ngang tầm! Với lại, ruộng đồng tây Nam bộ đang độ héo hon vì nạn xâm ngập mặn + thói phun thuốc hóa học vô tội vạ của không ít nông dân thiếu kiến thức. Kết cuộc thảm hại là, những con ếch “bà” (ếch nái cụ) đồng cằm không giáp nắm tay người lớn đã âm thầm phóng mất - không hẹn ngày về! Nó quy ẩn trong miền ký ức của lớp người tầm U.40 trở lên, gốc ruộng! Thi thoảng, nghe tiếng trời gầm thảng thốt hoặc mưa bão tối trời tối đất, nó lại nhảy nhót thật dịu êm!
Hấp dẫn bao tử ếch xào dưa cải!
Thôi, cứ để chúng nghỉ khỏe đi! Ta quay sang bàn chuyện "bóc lột" con ếch nuôi sao cho hiệu quả nhất. Trở lại câu chuyện, con ếch nuôi chết vì lý do gì là hợp lý nhất. Tại miệng cũng không, do đùi cũng trật chìa luôn. Thời may, gặp anh Trần Văn Tốt, thương lái hải sản đông lạnh ở TP.HCM rỉ tai bật mí: vì bao tử nó!
Cũng có lý! Nhưng để gom được vài ba chục ký bao tử ếch nhỏ nhoi cỡ đầu ngón tay trỏ mỗi ngày, không phải ai cũng làm được - trừ anh Tốt.
Thế là, một bữa tiệc thịnh soạn với lủ khủ dạ dày ếch được trình làng tại nhà hàng Làng Nướng Nam Bộ, quận 3, TP.HCM. Điểm nhấn là 2 món “đinh”: xào cải chua (dưa cải) và rim (sa – pô) kiểu người Hoa.
Phải công nhận bụng dạ ếch thật giòn, “phê” gấp bội so với bao tử cá ba sa, cá tra nuôi, bởi nó dày hơn. Nhẩn nha nhai chậm từng cái tù và bao tử ếch, người ăn tự dưng nghe ra những âm điệu sần sật do chính hàng tiền đạo lẫn hậu vệ họ gảy nên mới thật thú vị. Rồi tùy vào sự phối ngẫu giữa những nhịp nhai chậm với nhanh, mạnh với nhẹ để tạo ra những cung bậc thú vị hơn. Lúc này, việc thưởng thức trở thành một trò chơi khá hấp dẫn, như cái thời tóc còn để chỏm mải mê với trò trốn tìm: năm - mười - mười lăm - hai mươi…
Đưa cay hay đưa cơm đều ngọt!
Chưa kể, miếng dưa cải vẫn giòn rau ráu phụ họa thật đắc lực. Quý hóa hơn, chất men chua từ đó sẽ rịn ra, giúp dịch vị chồm tới thật nhanh, đông đúc hơn. Và nhờ vậy, đường ruột cũng dễ thở hơn trước một loại thực phẩm khá khó tiêu.
Chị “phù thủy gáo dừa” Kim Thanh xuýt xoa cho rằng, món này quá ngon nhưng nếu rưới vào cỡ một - hai muỗng canh nước cốt dừa thì càng “can hổng hổi”!
Thật chí lý, chính chất béo đậm xộc thẳng lên tới…óc của nước cốt dừa sẽ bù đắp hữu hiệu cho “đạo cụ” bao tử ếch. Vốn dĩ, nó trội giòn nhưng lại thiếu ngọt, béo.
Lạ miệng món bao tử ếch kho rim kiểu Hoa
Chấm cùng chén nước tương thơm ngon sóng sánh, cắn nghe cái bụp nửa trái ớt xiêm xanh, kể như nếm trải đủ đầy mùi đời: chua-cay- ngọt - mặn - chát đắng.
Đồng thời, các cụ xưa vẫn ý nhị răn dạy cháu con: “Miếng ăn là miếng… tồi tàn!” Ăn đến độ 8 - 9 phần no mới nhàn tản thanh tâm, nghiền ngẫm sự đời… tréo cẳng ngỗng mới được! Trên một website dạy làm giàu, có kể nhiều giai thoại thú vị về một con ếch điếc…tâm lý. Nhờ vậy, nó vẻ vang đoạt giải quán quân trong một cuộc đua gian nan: thi trèo lên ngọn tháp cao nhất trong vùng. Số ếch thí sinh còn lại, có nhiều con to lớn hoặc “bạc đầu” hơn nó, nhưng không bền chí và không đủ lạc quan nên đã mệt mỏi buông xuôi.
Chuyện ếch thời toàn cầu hóa, có cũ mới đan xen và rất đáng để suy ngẫm!