Mặt hàng mà các doanh nghiệp vi phạm là tôm đông lạnh, tôm thẻ, cá rô phi, mực khô, bánh cuốn hải sản...
Cơ quan chức năng Nhật cho hay các mặt hàng trên của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có liều lượng Enrofloxacin, Chloramphenicol, Ethoxyquin vượt quá mức mà nước này cho phép.
NAFIQAD cho hay các lô hàng của 14 doanh nghiệp vi phạm sẽ bị áp dụng chế độ kiểm tra chặt và phải được các trung tâm chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận trước khi cho thông quan.
Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề chất lượng, Nhật Bản đã nhiều lần nâng tần suất kiểm tra lên 30%, có lúc nâng lên 100% đối với các lô hàng thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam.
Việc kiểm tra gắt gao khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì phải tốn thêm thời gian, chi phí. Thậm chí một số doanh nghiệp đã phải bỏ thị trường này do không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Nhật Bản được biết là thị trường nhập khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam. Từ tháng 1 - 9.2012, Nhật đã nhập khẩu hơn 740 triệu USD và chiếm gần 18% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng là thị trường có yêu cầu gắt gao nhất về mặt chất lượng đối với hàng thủy sản.