Khi thủy chiều xuống, nhiều khu vực bãi biển xã Hải Lý, Hải Đông... (huyện Hải Hậu) lại trở nên nhộn nhịp với cảnh đánh bắt vẹm xanh.
Theo người dân nơi đây, vẹm xanh không phải lúc nào cũng có. Do vẹm xanh được sinh trưởng tự nhiên, cho nên một năm chỉ có khoảng 2-3 đợt. Mỗi đợt đánh bắt chỉ kéo dài 5 -7 ngày, tùy vào lượng đánh bắt của người dân.
Vẹm xanh có đặc tính sống bám vào một vật cố định như: gạch, đá ở mực nước sâu 6m - 10m. Màu sắc nổi bật nên vẹm xanh rất dễ quan sát và đánh bắt.
Khó khăn nhất của việc đánh bắt vẹm xanh là phải “thạo” được thủy chiều lên – xuống của nước biển. Lúc nước ròng, lộ ra phần đá, gạch – nơi vẹm xanh bám vào, do đó việc đánh bắt dễ dàng nhất.
Vẹm xanh dày đặc, bám chặt vào các khu vực đá, gạch tự nhiên.
Việc thu hoạch vẹm xanh của người dân nơi đây tự do và linh động. Những vệt vẹm xanh to được người dân thu trước.
Để có nhặt được những con vẹm xanh to, nhiều người đã chọn các điểm bãi đá xa bờ, nước ngập...
Chị Huế (35 tuổi, xã Hải Lý) chia sẻ, thời gian đánh bắt vẹm xanh chỉ kéo dài từ 1-2 giờ đồng hồ mỗi ngày, đến khi thủy chiều lên, nước ngập các tảng gạch đá, việc đánh bắt cũng khó và có thể nguy hiểm.
Trong những ngày này, bình quân mỗi người cũng có thể nhặt được 20-30kg vẹm xanh sau khoảng 2 giờ đánh bắt.
Vẹm xanh được thương lái thu mua luôn tại bãi với giá 40-50 nghìn đồng/ kg. Trên thị trường hải sản, vẹm xanh được bán giá 90-100 nghìn đồng/ kg.
Nhiều món ăn ngon được chế biến từ loại hải sản độc đáo này như: vẹm xanh nướng mỡ hành, vẹm xanh hấp, vẹm xanh sốt kem hay sốt tỏi ớt...
Trên thế giới, vẹm xanh phân bố ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương và được nuôi nhiều tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Ở nước, vẹm xanh là loại hải sản được đánh bắt nhiều ở biển miền Trung.
Vẹm vỏ xanh (vẹm xanh) có tên khoa học là Perna Viridis, thường được tìm thấy phát triển mạnh mẽ ngoài khơi bờ biển Úc và New Zealand. Vẹm xanh là động vật nhuyễn thể hai mảnh, sống tự do dọc bờ biển sống trong môi trường nước có độ mặn dao động từ 20-30%, chất đáy là đá, sỏi, san hô… Khi còn nhỏ, vẹm vỏ xanh có vỏ màu xanh, lúc trưởng thành thì vỏ chuyển màu nâu đen.
Vẹm xanh có tác dụng chống viêm tự nhiên, có lợi cho rối loạn khớp và nhiều bệnh viêm khác. Ngoài hàm lượng vitamin, vẹm xanh cũng rất giàu protein, khoáng chất, các enzyme, vitamin và GAGs (glycosaminoglycans) là các yếu tố quan trọng trong việc hình thành và sửa chữa sụn khớp.