Hiện nay, giun nhiều tơ đang được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều mục đích khác nhau; trong nuôi trồng thủy sản chúng được sử dụng như là một loại thức ăn tươi sống, đặc biệt là cho tôm bố mẹ nhằm mục đích kích thích sự thành thục và tăng chất lượng trứng và ấu trùng. Loại thức ăn tươi sống này cung cấp chất dinh dưỡng rất tốt, nhất là hàm lượng axit béo cao phân tử không no (HUFA) và đáp ứng nhu cầu sinh sản của tôm mẹ, đồng thời nâng cao tỉ lệ sống của tôm.
Nhiều loài có giá trị đã được nghiên cứu và phát triển kỹ thuật nuôi để chủ động trong sản xuất và giảm phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên. Mặc dù nghề nuôi giun nhiều tơ vẫn chưa được phổ biến rộng rãi do khó khăn về kĩ thuật trong nuôi các loài này, nhưng không thể phủ nhận giá trị kinh tế và vai trò quan trọng của chúng trong nuôi trồng thủy sản. Đây là một trong những nguồn đạm và chất béo có thể được dùng để thay thế cho bột cá và dầu cá nhằm giảm áp lực cho việc đánh bắt các loài cá nhỏ như hiện nay.
Giun nhiều tơ Alitta virens (trái), phần cơ thể đặc trưng của giun nhiều tơ (phải)
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của nhiệt độ lên sinh trưởng và tỉ lệ sống của giun nhiều tơ Dendronereis chipolini làm cơ sở cho nuôi sinh khối loài này. Giun nhiều tơ con có chiều dài trung bình 0,9 (± 0,2) cm, khối lượng trung bình 0,007 (± 0,003) g được nuôi trong hệ thống bể nhựa hình khối chữ nhật 70 L với diện tích đáy bể 0,25 m2. Giun nhiều tơ được nuôi với mật độ 500 con/m2, tương ứng 100 con/bể. Các bể được thêm một lớp bùn ở đáy có độ dày 5 cm làm giá thể cho
giun nhiều tơ, nguồn nước được sử dụng có độ mặn là 20%. Thí nghiệm được bố trí với 4 mức nhiệt độ khác nhau tương ứng với các nghiệm thức bao gồm 28, 30, 32 và 34°C. Kết quả thí nghiệm cho thấy sau 180 ngày thí nghiệm, khối lượng và chiều dài trung bình đạt được ở nhiệt độ nuôi 30oC lần lượt là 0,39 ± 0,16 g và 5,2 ± 1,2 cm, cao hơn khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại (p < 0,05).
Tỉ lệ sống của giun nhiều tơ ở nhiệt độ 32oC cao hơn so với các nghiệm thức khác vào ngày 60 (76,3 ± 2,3%) và 120 (57,3 ± 2,9%) của thời gian thí nghiệm.
Biểu đồ thể hiện tỉ lệ sống của giun nhiều tơ D. chipolini qua thời gian thí nghiệm
Tóm lại, giun nhiều tơ Dendronereis chipolini tăng trưởng tốt nhất cả về chiều dài và khối lượng ở khoảng nhiệt độ từ 28 – 30oC. Trong khi đó, tỉ lệ sống của giun cao nhất khi được nuôi ở nhiệt độ 30 – 32oC trong thời gian 120 ngày.
Việc nghiên cứu thử nghiệm nuôi sinh khối giun nhiều tơ, nhất là các loài bản địa tại ĐBSCL - vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, càng có ý nghĩa thực tiễn, nhằm phát triển nghề nuôi tôm bền vững, góp phần chủ động được nguồn thức ăn tươi sống, đồng thời đảm bảo an toàn sinh học trong sản xuất giống tôm biển và bảo đảm sự đa dạng sinh vật của vùng, góp phần vào tính bền vững của hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trong tương lai.