Nhiều lô hàng bị trả về
Cà Mau là tỉnh có thế mạnh về chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản với nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Minh Phú, Công ty Phú Cường, Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm đến 99% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 5 tháng là hơn 304 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thủy sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo thống kê Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, tính đến hết tháng 5-2013 có 5 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị nước nhập khẩu trả về với số lượng hàng hóa là 159 tấn, trị giá hơn nửa triệu đô la Mỹ. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng hàng thủy sản bị trả về là 536 tấn, trị giá 3,65 triệu đô la Mỹ. Các lô hàng chủ yếu là tôm đông lạnh chế biến do các doanh nghiệp xuất khẩu ở tỉnh cung cấp. Nguyên nhân hàng hóa bị trả về là do vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm: nhiễm vi sinh và kháng sinh vượt quá ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu.
Cũng trong tháng 5 vừa qua, theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có thêm 3 doanh nghiệp có lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm do phát hiện chất Ethoxyquin và Trifluralin vượt mức cho phép và bị trả về. Điều đáng nói là sau hàng loạt trường hợp bị cảnh báo trong 2 tháng đầu năm, tình hình đã được cải thiện khi tháng 3 không có trường hợp nào bị cảnh báo và tháng 4 chỉ có một trường hợp.
Nhật Bản là nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Năm 2012 nước này dựng lên rào cản Ethoxyquin, một chất chống oxy hóa có trong thức ăn chăn nuôi đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp sau rào cản chất Trifluralin, một hóa chất diệt tảo. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Nhật từ đầu năm 2013 đến ngày 15-5 đạt trên 353 triệu đô la Mỹ, giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Cần tăng quản lý vùng nuôi
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, trong tháng 5, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ kiểm tra 100% Trifluralin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam sau gần 3 năm áp dụng chính sách này. Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản tiếp tục xem xét dỡ bỏ chế độ kiểm tra 100% lô hàng thủy sản đối với chất Ethoxyquin.
“Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản cũng yêu cầu Việt Nam phải làm báo cáo, cung cấp biện pháp kiểm soát tốt các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu họ xét thấy hợp lý sẽ dở bỏ chế độ kiểm tra chặt”, ông Tiệp nói.
Thực tế việc Nhật Bản kiểm tra chặt hàng nhập khẩu đồng nghĩa với việc “nói không” với một số mặt hàng thủy sản Việt Nam vì nói như một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào Nhật ở Sóc Trăng là “kiểm thế nào cũng vướng hóa chất!”
Để khắc phục tình trạng vi phạm quy định an toàn thực phẩm, nhiều biện pháp được doanh nghiệp thủy sản thực hiện, bao gồm kiểm soát dư lượng kháng sinh, chất bảo quản, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào; kiểm tra nghiêm ngặt từng lô hàng trước khi xuất khẩu.
Thực tế những biện pháp này đã được triển khai từ nhiều năm qua và doanh nghiệp đã tốn không ít chi phí và thời gian cũng như bộ máy nhân sự để làm công việc này mà vẫn chịu rủi ro lô hàng bị trả về.
Phát biểu tại một diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức gần đây, ông Phan Thanh Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hải Việt, chuyên chế biến và xuất khẩu hải sản ở Vũng Tàu cho biết, chi phí để đảm bảo hàng hóa ít gặp phải rủi ro của công ty ông lên đến hàng chục tỉ đồng/năm. Cụ thể, công ty phải đóng cho các công tác kiểm định của Nafiqad trong năm 2012 là 3 tỉ đồng. Còn chi phí để tự kiểm nghiệm kháng sinh trong hải sản xuất khẩu lên đến 6 tỉ đồng.
“Nhưng vẫn không thể hoàn toàn loại hết rủi ro vì các chất kháng sinh, hóa chất nuôi trồng nằm trong nguyên liệu do người dân cung cấp, chúng tôi không thể quản lý nổi”, ông nói.
Ông Trần Văn Lĩnh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, những biện pháp mà Nafiqad và doanh nghiệp đang thực hiện cũng chỉ là những biện pháp tình thế. Theo ông Lĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung vào quản lý các vùng nuôi, chủ yếu là tôm, thay vì tập trung vào khâu chế biến, sản xuất mà đa phần các doanh nghiệp đã xây dựng và hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu.