Sản phẩm thu lợi được nhiều nhất là tôm, cá khoai, mực. Sau khi trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi tàu thu lãi được từ 40-70 triệu đồng.
Đây là vụ trúng mùa đậm đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, trong khi trước đó nhiều ngư dân lỗ nặng do khai thác thất bát khi chi phí đầu tư cao, giá nhiên liệu tăng liên tục.
Ông Trần Văn Hoàng, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: sản lượng khai thác thủy sản trên biển ngày càng giảm mạnh.
Một phần do ngư trường cạn kiệt bởi khai thác quá mức, một phần do lực lượng khai thác xa bờ thường xuyên nằm bờ do đi biển không có lãi.
Tuy nhiên, lợi dụng thời tiết tháng qua mưa nhiều, ngư dân tận dụng thời cơ để ra khơi, kết quả là trúng đậm vụ mùa.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có trên 3.000 phương tiện đang hoạt động sản xuất trên biển. Mặc dù thời điểm này biển động, mưa nhiều, nhưng nhiều ngư dân vẫn tích cực bám biển.
Nhằm bảo đảm an toàn cho bà con sản xuất trong thời điểm thời tiết xấu, các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng thường xuyên liên lạc, hướng dẫn bà con vào khai thác tại những vùng biển an toàn.
Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có những biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám tàu, sản xuất đạt hiệu quả.
Thủy sản là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, trong đó bao gồm nuôi trồng và khai thác biển. Mỗi năm sản lượng thủy sản của tỉnh đạt xấp xỉ 300.000 tấn. Nếu như thời gian gần đây nuôi trồng gặp nhiều khó khăn thì khai thác biển cũng không mấy khả quan.
Nhiều tàu cá quyết định ngừng hoạt động, thậm chí từ đầu năm đến nay có hàng chục hộ chuyển sang ngành nghề khác.
Việc nhiều hộ trúng đậm vụ khai thác biển, kèm theo đó là nhiều tàu đồng loạt ra khơi là tín hiệu tốt giúp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong năm 2013./.