Bạch tuộc dừa (Amphioctopus marginatus) là một loài bạch tuộc trong họ Octopodidae. Chúng là loài thông minh và biết dùng những chiếc vỏ dừa hay vỏ ngao, sò làm nơi trú ẩn di động. Khi muốn di chuyển, xúc tu sẽ cuốn lấy căn nhà nhỏ giúp chúng ung dung lướt đi dưới đáy biển.
Trong chuyến lặn biển ở Lembeh (Indonesia), Pall Sigurdsson và nhóm thợ lặn đã tìm thấy một con bạch tuộc nhỏ dùng chiếc cốc nhựa để ngụy trang. Mặc dù chiếc cốc nhựa này có vẻ là một lớp bảo vệ chắc chắn, nhưng con bạch tuộc với những xúc tu mềm mại không biết rằng chiếc cốc này hầu như không thể bảo vệ nó và trong một môi trường cạnh tranh như đại dương, đây là một bản án tử hình được báo trước. Một con lươn hoặc cá bơn đi qua có thể sẽ nuốt chiếc cốc có con bạch tuộc trong đó, sau đó chiếc cốc có thể cũng sẽ giết chết kẻ săn mồi hoặc làm chúng suy yếu. Đó là lý do nhóm thợ lặn đã thu thập nhiều vỏ sò khác nhau để cho bạch tuộc thay thế chiếc cốc nhựa.
Tác giả của đoạn video, Pall Sigurdsson – một người lặn biển chuyên nghiệp cho biết rác dễ bắt gặp trong lòng đại dương, có ngày nhiều ngày ít tùy theo dòng hải lưu nhưng không có chuyến lặn nào mà không bắt gặp rác. Các nhà khoa học ước tính rằng lượng chất thải nhựa đại dương đã lên đến hơn 260.000 tấn, rác đang trôi lang thang khắp hành tinh và đang làm hại sinh vật biển mỗi ngày. Rác thải nhựa và sơn không chỉ gây ô nhiễm nước, mà còn nguy hiểm đối với đời sống đại dương khi sinh vật nuốt chửng hoặc bị cuốn vào chúng.
Dưới đây là video của Pall Sigurdsson và những thợ lặn khác đã kiên trì thuyết phục con bạch tuộc nhỏ chuyển nhà từ cốc nhựa sang vỏ sò. Đây là câu chuyện dễ thương từ bạch tuộc con khó tính và sự tốt bụng của nhóm thợ lặn. Nhưng cũng là nhắc nhở từ đại dương đến chúng ta về ảnh hưởng của ô nhiễm đối với cuộc sống dưới biển.
Theo Bored Panda