“Em vẫn đợi anh về”
“Lấy chồng nghề ruộng em theo/Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, tay thoăn thoắt đan lưới, chị Huỳnh Thị Thanh (51 tuổi) sống tại khu làng cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà hát cho tôi nghe lời ca muôn thuở mà phụ nữ ở làng chài này vẫn hát. Có lẽ, với những người phụ nữ có chồng đi biển, mỗi lần chồng theo tàu ra khơi là cả một mùa chờ đợi. Nói là “một mùa” cũng không ngoa vì chỉ có những ai ở trong tâm trạng như các bà, các chị mới thấy ngày tháng chờ đợi dài đằng đẵng. “Có những đêm trời trở gió, ngồi ở nhà nhưng trong bụng không yên. Chồng ngoài khơi lênh đênh trên sóng biển mà lòng mình cũng dậy sóng theo. Những khi ấy, tui chỉ biết thắp hương cầu trời khấn Phật cho gió yên biển lặng, cho ngày hôm sau được nhìn thấy tàu đánh cá trở về, có chồng mình”, chị Thanh tâm sự.
Đa số những người đàn ông ở khu làng cá Nại Hiên Đông đều theo nghề biển. Từ bao đời, xóm chài nhỏ ấy, trên bến dưới thuyền rộn rã điệp khúc niềm vui cá về, nhưng cũng là ngần ấy tháng năm, những người đàn bà lấy chồng nghề biển đứng trên bến cá, mắt dõi khơi xa tìm bóng những con tàu mang theo người đàn ông mà họ yêu thương. Những ngày giông bão, hầu như các chị không bao giờ ngủ được, có chị thức trắng đêm trực máy ICOM để thông báo tình hình thời tiết cho chồng ở ngoài khơi xa. “Có những đêm đang nằm ngủ, nghe chuông điện thoại reo, tôi bật mình trở dậy. Ảnh gọi điện về nói ở ngoài sóng to gió lớn nhưng cũng động viên mẹ con yên tâm”, chị Phan Thị Cương (53 tuổi) xúc động nhớ lại những phút giây hồi hộp ấy, không giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.
Thế nhưng, cũng có những con tàu ra khơi mãi mãi không bao giờ trở về, để lại nỗi đau thương, mất mát cho những người góa phụ. Chị Trần Thị An (45 tuổi) vẫn còn nhớ như in mùa bão năm ấy, sóng biển đã cướp đi một trụ cột, một bờ vai tin cậy nhất của đời chị. Hằng đêm, người đàn bà góa này vẫn dõi mắt ra khơi xa, chờ đợi trong vô vọng. “Cái duyên cái số nó vậy, chứ biết làm răng chừ.
Hồi đó chỉ mong đem xác chồng về nhưng gần 3 năm rồi, thân xác ảnh còn lặng lẽ ngoài khơi”, chị An khóc. Dở tay đan nốt tấm lưới, thỉnh thoảng, như một thói quen, chị An lại đưa mắt ra phía biển giấu tiếng thở dài. Câu chuyện của chị cũng là câu chuyện của bao người đàn bà trong thân phận “hồn treo cột buồm”.
Ở khu làng cá Nại Hiên Đông, hầu hết con gái đều lấy chồng sớm và như duyên phận, chồng của họ đều làm nghề biển. Con gái của chị Thanh cũng có chồng đi biển, 18 tuổi đã tay bồng con chờ chồng. Nghe người thiếu phụ trẻ hát ru con: “Rằng con hãy ngủ cho ngoan/Trời yên biển lặng cha con sẽ về” cũng chính là tiếng lòng gởi gắm cho chồng ngoài khơi xa. Tiếng hát đã dứt nhưng tôi vẫn còn ám ảnh mãi bóng dáng những người đàn bà với ánh mắt thẳm sâu sau tấm lưới đan, tảo tần trên bến cá, lặng lẽ chờ chồng bên biển mênh mông.
Sẻ chia gánh nặng cùng chồng
Nhiều người nghĩ làm vợ ngư dân chỉ quanh quẩn trong nhà, đi chợ, trông con, nấu ăn... rồi chờ chồng đi biển đem tiền về... đếm. Thế nhưng, ngoài công việc như bao phụ nữ khác, vợ ngư dân cũng vất vả chẳng kém gì.
Gặp chị Huỳnh Thị Thu Hương (50 tuổi) ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu vào buổi sáng sớm nhộn nhịp tại cảng cá Thọ Quang mới thấy hết sự tháo vát và tài buôn bán của chị. Nói đến chị, ai ở bến cá cũng biết, vì chị là vợ của ông Lê Mến, chủ chiếc tàu hậu cần lớn nhất miền Trung, công suất lên đến 1.200 CV. Bà chủ “đầu nậu” thu mua hải sản đang thoăn thoắt “miệng nói, tay làm”, ghi chép cẩn thận từng ky cá đem từ tàu vào bờ. Mỗi khi tàu của chồng cập bến, chị Ngân lại phải xuống phân loại hải sản đánh bắt để cân bán, rồi lo mua sắm lương thực, thực phẩm cho chồng chuẩn bị ra khơi. Chồng đi rồi, chị lại xuống bến mua cá, tôm để “chạy chợ”, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chị kể: “Mỗi lần tàu về, tui phải trực cả ngày đêm ở bến cá. Tàu về giờ mô phải có mặt giờ nấy, có hôm thức luôn bên bến. Có mình ở nhà, như có một hậu phương vững chắc, để chồng yên tâm hơn mỗi khi đánh lưới ra khơi”.
Cùng chồng mưu sinh.
Cũng như chị Hương, những người phụ nữ vùng biển đều tìm cho mình một công việc để làm. Người thì làm công nhân, người thì buôn bán, không có việc nữa thì đi làm thuê, làm mướn, chạy chợ, vá lưới thuê, thậm chí có chị còn làm khuân vác trên bến cá. Có nhiều lúc chồng không kiếm được người đi bạn, các chị lại “làm bạn” đi biển cùng chồng. Hay nhiều chị em tự sắm cho mình chiếc ghe nhỏ mưu sinh, khi thì chở tấm lưới, khi thì chở ky cá cho các chủ tàu. Gánh nặng kinh tế gia đình, họ không thể để một mình chồng gánh vác. Hơn 30 năm lấy chồng làm nghề biển thì cũng là chừng ấy năm chị Huỳnh Thị Hường (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) mưu sinh với chiếc ghe nhỏ. “Những ngày chồng đi biển, tui cũng ở nhà tranh thủ kiếm thêm ít đồng cho con ăn học. Thương ảnh nửa đêm nửa hôm lênh đênh ngoài biển, tui cũng thấy xót lòng. Thôi kệ, mình làm được đồng nào hay đồng nấy, chỉ mong vợ chồng con cái thuận hòa”, chị Hường tâm sự.
Vất vả là vậy nhưng lúc nào các chị cũng chịu thương chịu khó, là người “xây tổ ấm” vững chắc cho chồng cho con. Nhiều chị chăm lo việc học hành của con cái đến nơi đến chốn và tham gia nhiều hoạt động từ thiện đóng góp cho xã hội. Các chị còn giúp nhau trong cuộc sống, ai nghèo ai khó đều được hỗ trợ vốn để làm ăn. Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước cho biết: “Phụ nữ miền biển bây giờ không như ngày xưa, cứ chiều chiều là chị em cắp thúng ra biển đón chồng về. Bây giờ, họ đều tìm cho mình một công việc nhất định, thu nhập ít hoặc nhiều nhưng chẳng ai ở không. Họ đã biết chủ động hơn trong cuộc sống, không quá phụ thuộc vào những chuyến đi may rủi của chồng, con”.
Rời bến cá lúc trời trở gió, dáng những người phụ nữ với làn da sạm nắng vẫn lam lũ, vất vả nhưng nụ cười lại rạng ngời, tươi rói. Những cơn bão biển hay giông bão cuộc đời chưa bao giờ đánh gục được những con người rắn rỏi, vững vàng ấy.