Du lịch biển ở Việt Nam là từ khóa xuất hiện rất phổ biến, nhất là trong thời tiết nắng nóng như mùa hè hiện nay. Trong đó, hiện tượng ngộ độc hay dị ứng thủy hải sản được lưu tâm hơn cả bởi nếu không xử lý kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn tới những tình huống đáng tiếc.
Bài viết dưới đây là một số loại có khả năng gây nguy hiểm cao mà bạn cần lưu ý khi du lịch biển:
Cá nóc chuột vằn mang
Cá nóc chuột vằn mang (tên khoa học là Aronthron immaculatus) là loài cá mang hàm lượng độc tố cao ngất ngưởng, nhất là ở trứng của chúng tập trung một lượng lớn chất độc mà chỉ cần 100g trứng đã có thể gây tử vong cho 200 người.
Trên thế giới có không ít quốc gia có “đặc sản” là những món ăn chế biến từ cá nóc nói chung, nhưng đó là trong trường hợp họ có cách hoàn toàn triệt tiêu được độc tố trong thịt cá nóc.
Đối với những phương pháp nấu ăn thông thường và kể cả có ở nhiệt độ cao như 100 độ C thì cũng phải cần đến 6 giờ mới giảm được một nửa lượng độc tố trong cá nóc chuột vằn mang.
Với 100gr trứng thì cá nóc chuột vằn mang có thể gây tử vong cho 200 người. Ảnh: monaconatureencyclopedia
Cá nóc chấm cam
Cá nóc chấm cam (tên khoa học là Torquigener pallimaculatus) và thường được biết với những tên gọi khác như cá nóc vằn hay cá nóc bông.
Giống như đa số những con cá nóc khác, cá nóc chấm cam cũng chứa một lượng độc tố đáng kể tập trung nhiều ở trong trứng, gan, nội quan và da. Đặc biệt, chỉ với 100gr trứng hoặc da cá nóc chấm cam là đã có thể giết chết khoảng 60-70 người.
Dù mang độc tố, loài cá này vẫn được sử dụng trong chế biến nước mắm ở một số đại phương. Bởi theo nhiều người dân thì sau quá trình ủ, hàm lượng chất độc sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn. Trên thực tế, độc lực của cá nóc chấm cam phải mất 12 tháng mới giảm được khoảng 86,43% - 93,93%. Trong khi đó, thời gian để một sản phẩm nước mắm đưa ra thị trường chỉ rơi vào 3 đến 4 tháng.
Cá nóc chấm cam cũng chứa lượng độc tố không kém cá nóc chuột vằn bụng
So biển
So biển là một sinh vật biển có ngoại hình rất dễ nhầm lẫn với sam biển - một loại hải sản rất phổ biến.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy so biển có kích thước nhỏ hơn với chiếc đuôi có hình tròn hay hình bầu dục và không có gai răng cưa.
Bên cạnh đó, một đặc điểm dễ phân biệt hai loài này là, so biển thường chỉ xuất hiện đơn lẻ, khác với sam biển hay được bắt gặp đi theo đôi.
Về hàm lượng độc tố, hầu hết chất độc có phân bố trong các bộ phận của so biển và với 100gr thịt của chúng sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cho người ăn.
Con so và sam biển khá giống nhau về ngoại hình
Sứa bắp cày và sứa lửa
Sứa bắp cày (tên khoa học là Chironex fleckeri) và sứa lửa (tên khoa học là Physalia physalis) đều là loài sứa mang nọc độc trong xúc tu có màu sắc và hình dáng tương đồng và đôi khi hòa lẫn vào nước biển nên rất khó nhìn thấy.
Khi bị chúng tấn công, nạn nhân sẽ cảm thấy đau buốt, bỏng rát rồi sau đó là chóng mặt, buồn nôn, suy tim,... và nặng hơn là tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Để đảm bảo an toàn, chúng ta được khuyên là không nên tham gia các hoạt động du lịch như bơi lội vào thời điểm ngày trời nhiều mây, sau mùa mưa bão và lúc thủy triều lên bởi lúc này những con sứa có thể dạt vào bờ mà bạn không để ý thấy.
Màu sắc của sứa khá trong nên rất khó để nhận thấy chúng
Bạch tuộc đốm xanh
Bạch tuộc đốm xanh (tên khoa học là Hapalochlaena) là một tập hợp gồm 4 loài mực có kích thước nhỏ đủ để nằm gọn trong lòng bàn tay.
Dù nhỏ bé, nhưng bạch tuộc đốm xanh không hề vô hại bởi trong mô chứa tetrodotoxin khiến chúng trở thành một trong số ít loài động vật vừa độc vừa có nọc độc.
Ngoài ra, chất độc này còn tập trung ở tuyến nước bọt, thịt và nội tạng dẫn đến tình trạng tê liệt và tử vong chỉ trong một thời gian ngắn.
Bạch tuộc đốm xanh có kích thước rất nhỏ nhưng lại cực độc
Ốc Cối
Ốc cối (tên khoa học là Cone snails) và thường được gọi là ốc nón hay ốc cù đèn. Do có ngoại hình bắt mắt nên chúng rất thường được sử dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Tuy nhiên, bên trong răng của loài ốc này lại có răng tẩm nọc độc (chứa conotoxin) có thể dẫn tới những tình huống nguy cấp như liệt toàn thân, suy hô hấp, trụy tim mạch và tử vong trong vòng 40 phút đến 2 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để tránh gặp nguy hiểm, khách du lịch cần hạn chế chạm hay bắt những sinh vật lạ xung quanh bờ biển.
Có vẻ ngoài nổi bật nên ốc cối được sử dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ
Rắn biển
Rắn biển hay còn được biết đến là đẻn biển là một nhóm rắn có nọc độc có khả năng gây ra tình trạng khó thở, liệt cơ, tím tái, hôn mê và thậm chí là tử vong nếu vô tình bị chúng cắn phải.
Ngoại hình của rắn biển có thể sẽ làm nhiều người nghĩ đó là một loài rắn thông thường, song chúng lại mang độc tố rất cao gây tác động trực tiếp lên hệ tuần hoàn, thần kinh và hủy hoại các tế bào cơ.
Do đó, khi đi đến những khu vực như vùng đáy bùn nước ven bờ, xung quanh các đảo hay cửa sông (đây là nơi rắn biển sống), bạn cần hết sức cẩn thận.
Nếu bị rắn biển cắn phải có thể dẫn đến những biểu hiện nguy cấp đến tính mạng
Nhìn chung, chất độc của các sinh vật biển tác động đến con người theo hai con đường: thứ nhất, qua đường tiêu hóa và thứ hai, qua phản ứng tự vệ của chúng khi ta vô tình chạm vào, bị cắn, chích hay phóng tên độc. Đến nay, vẫn chưa có một loại thuốc có thể giảm hoàn toàn độc tố tetrodotoxin ở người.
Trước số lượng khách du lịch gia tăng đột biến, những biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân tại địa phương cũng như khách du lịch càng được quan tâm hơn. Như vậy, chúng ta cần phải hết sức cẩn thận khi tiếp xúc, tiêu thụ hay đánh bắt những loại hải sản mà bạn không hiểu rõ về chúng để giảm thiểu tối đa tình trạng ngộ độc.