Nhiều nơi vẫn nuôi thả tôm thẻ chân trắng
Về xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, nơi 2 năm trở lại đây đã có một số hộ dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích từ vài sào đến cả vài ha/1 hộ. Bà Q là một trong số những hộ có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều nhất với 10 ao, mỗi ao rộng 8 sào. Lý giải việc chọn nuôi con tôm thẻ, bà Q cho biết: Mấy năm nay việc nuôi cá truyền thống hiệu quả không cao, tiêu thụ lại khó khăn. Tôi đi tham quan ở Nam Định và một số xã gần đây như Kim Chính, Kim Tân (huyện Kim Sơn) thấy người ta nuôi tôm thẻ chân trắng kiếm cả trăm triệu mỗi vụ nên tôi cũng về nuôi thử, vụ này là vụ thứ 2.
Tôi thả xen với cá, 1 ao chừng 2 vạn tôm giống, mỗi ngày cho ăn 2 kg cám vịt, 1 kg cám tôm. Tính ra chi phí chẳng đáng là bao vậy mà thu về cũng khá. Chỉ sau 2,5 tháng mỗi ao cho khoảng 2 tạ tôm, giá bán 200 nghìn đồng/1kg cũng được tới 20 triệu đồng.
Trong khi đó 1 năm tôi có thể quay vòng thả 2-3 vụ. Bà Q cũng cho biết: Năm 2017, khi mới nuôi, gia đình gặp không ít khó khăn bởi vốn kiến thức hạn hẹp, kỹ thuật chăm sóc chưa cao nên tôm chết gần hết. Năm nay, tôi có kinh nghiệm hơn, trước khi thả tôm xuống nuôi, tôi “thuần” con giống trên ao nhỏ (khoảng 15 ngày) và trong quá trình nuôi thường xuyên cung cấp đủ lượng khoáng để con tôm phát triển tốt.
Lợi nhuận cao, khiến không chỉ người dân mà ngay cả những đảng viên, lãnh đạo xã Khánh Thủy cũng tham gia vào việc nuôi tôm thẻ chân trắng, bất chấp những văn bản trước đó của UBND tỉnh, ngành chuyên môn về việc không được nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài quy hoạch, trong vùng nước ngọt.
Đồng chí Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy thừa nhận, xã cũng đã tuyên truyền về vấn đề này tuy nhiên vì lợi nhuận vẫn có một vài hộ lén lút lấy giống tôm thẻ chân trắng ở Kim Sơn về thả, thời gian tới đây chúng tôi sẽ cấm hẳn, không để phát triển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Khánh Thủy thì một số xã khác của huyện Yên Khánh, Yên Mô cũng đã manh nha việc người dân đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi. Riêng đối với huyện Kim Sơn việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt diễn ra từ 3-4 năm nay và diện tích nuôi cũng khá nhiều bởi đây là vùng đất có lịch sử là vùng mặn lợ; các xã Kim Tân, Cồn Thoi, Chất Bình, Kim Chính và hầu hết các xã ven sông Đáy đều có nuôi tôm thẻ chân trắng …
Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, căn cứ vào các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là kết quả nghiên cứu cũng như bài học kinh nghiệm của Thái Lan khi đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong nước ngọt cho thấy, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh.
Bên cạnh đó, nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt còn khiến người nuôi thiệt hại. Bởi chỉ sau thời gian nuôi từ 3-5 năm, môi trường nước sẽ bị mặn hoá trở lại và dịch bệnh trên con tôm lại phát triển như thường, thậm chí phát sinh thêm nhiều bệnh mới không kiểm soát được, trong đó phổ biến nhất là bệnh mềm vỏ.
Bệnh này xuất phát từ môi trường mặn nhân tạo thiếu các vi chất cần thiết, trong đó có chất canxi nên con tôm cũng thiếu chất này, dẫn đến ốm yếu, hình dáng xấu, khi luộc lên vỏ tôm ít đỏ và chất lượng thịt thì nhạt, mềm hơn nhiều so với tôm nuôi trong môi trường nước lợ và nước mặn. Nói tóm lại là con tôm không đảm bảo chất lượng, giảm giá trị, thậm chí không được thị trường chấp nhận.
Các cấp chính quyền và ngành chức năng cần sớm vào cuộc
Khi mang câu chuyện trên trao đổi cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh, ông Nguyễn Đình Toàn, Phó trưởng phòng đã tỏ ra khá ngỡ ngàng và cũng rất lơ mơ về tác hại của việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt.
Về phía ngành chuyên môn, ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại văn bản số 6825/BNN-TCTS ngày 18/8/2017, sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 294/UBND-VP3 ngày 28/8/2017 về việc tăng cường chỉ đạo quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, thống kê diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn, tổng hợp báo cáo về Sở; tuyên truyền, vận động nhân dân không nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt (ngoài vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ của tỉnh).
Phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.
“Các địa phương đều báo cáo là không có diện tích nào nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt cả nên Chi cục không biết và cũng chưa xử lý trường hợp nào. Chi Cục chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý chung, không thể có đủ người để đi kiểm tra, xác minh được”, ông Hoàng nói.
Rõ ràng việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn tỉnh ta là có. Thậm chí theo một số nguồn tin mà chúng tôi có được thì 1-2 năm trở lại đây một số hộ kinh doanh tôm giống ở Kim Đông “kiếm khá” qua việc ngọt hóa tôm giống để bán cho người nuôi thủy sản vùng nước ngọt. Có hộ, mỗi vụ bán ra khoảng 400-500 vạn con tôm giống đã được ngọt hóa.
Vậy tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt thực tế là bao nhiêu? Con số sẽ không phải là nhỏ vậy mà cả địa phương và cơ quan chuyên môn đều trả lời là: “không nắm được, không biết”. Câu hỏi được đặt ra ở đây là các đơn vị này đã thực sự sát sao vào cuộc để quản lý hoạt động này hay chưa?
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ cần sớm có sự vào cuộc quyết liệt, sát sao hơn nữa từ phía ngành chuyên môn cũng như chính quyền các địa phương trong việc nghiêm cấm, xoá sổ mô hình sản xuất này ở vùng nội đồng. Trước mắt, tuyên truyền để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.