ĐỐI TƯỢNG NUÔI MỚI ĐẦY TRIỂN VỌNG
Đầm Ô Loan (huyện Tuy An) từ lâu nổi tiếng với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sò huyết. Thế nhưng nhiều năm nay, nguồn sò huyết trong đầm đã bị cạn kiệt, có lúc không thấy sò huyết xuất hiện. Nguyên nhân là do nghề nuôi tôm phát triển mạnh ở khu vực trong đầm, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý ao nuôi đã ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái và sự phát triển tự nhiên của sò huyết. Mặt khác, một thời gian dài cửa biển Tân Quy bị bồi lấp làm hạn chế việc trao đổi nước giữa đầm Ô Loan với biển nên môi trường nước trong đầm không ổn định. Theo điều tra của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), từ năm 2007, nguồn sò huyết đầm Ô Loan đã bị cạn kiệt; riêng các năm 2008, 2009 hầu như không thấy sò xuất hiện. Nhiều người làm nghề khai thác sò huyết phải chuyển sang nghề khác. Cuối năm 2009, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh thực hiện đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết ở đầm Ô Loan. Trung tâm này đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm sò huyết thương phẩm bằng chắn đăng. Mô hình đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh nghiệm thu đạt hiệu quả và cần triển khai nhân rộng…
Năm 2014, từ nguồn vốn nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, tỉnh đã thả nuôi 2ha sò huyết tại đầm Ô Loan. Năm 2015, Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên tiếp tục nuôi thêm 6ha. Ông Lê Hữu Phước ở xã An Hải (huyện Tuy An), cho biết: “Năm 2014, gia đình tôi tham gia mô hình và nuôi với diện tích 1ha. Ban quản lý dự án CRSD tỉnh hỗ trợ sò giống, lưới mùng để chắn đăng ao nuôi và hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, sò giống khi thả xuống bị chết nên hao hụt rất nhiều. Trong quá trình nuôi, rong xuất hiện dày đặc ở đáy ao làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của sò. Mặc dù không thành công lắm, nhưng sau 4 tháng nuôi, chúng tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng. Hiện nay, ngư dân sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác ở khu vực đầm Ô Loan có thu nhập rất thấp và không ổn định. Nếu nghề nuôi sò huyết phát triển thì nhiều ngư dân sẽ hưởng ứng vì đây là cơ hội cải thiện thu nhập cho gia đình. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục tham gia mô hình với 0,5ha, đến nay đã hơn 100 ngày nuôi và sò đạt kích cỡ khoảng 300 con/kg. Dự kiến khoảng 3 tháng nữa sò có thể đạt 70 con/kg. Hiện nay, sò huyết Ô Loan cỡ 70 con/kg có giá khoảng 200.000 đồng/kg”.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Nuôi sò huyết bằng chắn đăng ở đầm Ô Loan là một hướng nuôi mới, đảm bảo định hướng phát triển của ngành. Mô hình này còn góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, chuyển đổi đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ nguồn lợi quý mang tính đặc thù của đầm”.
Thương lái mua gom sò huyết đầm Ô Loan - Ảnh: A.NGỌC
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ VÙNG NUÔI PHÁT TRIỂN
Dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản các vùng nuôi xã An Hải và xã An Cư (huyện Tuy An) do Ban quản lý dự án CRSD tỉnh Phú Yên làm đại diện chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi cho vùng nuôi thủy sản ở các xã An Hải (40ha nuôi sò huyết) và An Cư (30ha nuôi thủy sản, nuôi hàu và rong câu). Theo ông Nguyễn Hữu Thiêng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án CRSD tỉnh Phú Yên, dự án triển khai nâng cấp hai tuyến đường ở xã An Hải và An Cư với tổng chiều dài gần 4km. Ông Phan Thanh Anh, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Phú Yên (đơn vị trúng thầu thi công tuyến đường xã An Hải), cho biết: “Tuyến đường đang được nâng cấp dài hơn 2km nối từ tuyến đường cơ động ven biển đến khu nuôi trồng thủy sản và sò huyết ven đầm Ô Loan. Tuyến đường này được khởi công từ cuối tháng 4/2015, đã hoàn thành 9 cống qua đường, san ủi mặt đường một số đoạn. Công ty đang ốp mái ta luy, tiếp tục phá đá nền đường một số đoạn nhằm hoàn thiện nền đường và triển khai các khâu tiếp theo để đổ bê tông”.
Ông Võ Kim Nhường ở xã An Hải, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan, cho biết: “Lâu nay, muốn đến khu nuôi sò huyết đa số người nuôi phải đi thuyền từ cầu An Hải lên, còn đi đường bộ thì rất vất vả, xe máy không thể đi được. Người dân rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư nâng cấp con đường này, khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại đến nơi sản xuất”.
Theo UBND huyện Tuy An, đầm Ô Loan có diện tích khoảng 1.570ha, có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng, là nơi mưu sinh của nhân dân tám thôn thuộc năm xã ven đầm. Sò huyết là đặc sản nổi tiếng của địa phương và là đối tượng ăn lọc, góp phần cải tạo môi trường ở đầm.
Triển khai quy hoạch vùng nuôi sò huyết đầm Ô Loan
UBND huyện đã khảo sát và họp dân để triển khai quy hoạch vùng nuôi sò huyết đầm Ô Loan. Diện tích quy hoạch chung cả đầm Ô Loan khoảng 120ha đến 150ha, mỗi địa phương từ 20ha đến 25ha, riêng xã An Hải khoảng 40ha. Đồng thời, huyện quy hoạch chi tiết theo điều kiện người nuôi, trung bình từ 0,5ha đến 1ha cho mỗi ô nuôi. Vùng quy hoạch sẽ được định vị theo tọa độ, đánh dấu bằng biển báo, phao ganh. Giữa các vùng quy hoạch có chừa đường giao thông thủy phục vụ cho việc đi lại trong đầm và không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Dự kiến, đến cuối tháng 9/2015, huyện sẽ hoàn thành xong quy hoạch khu nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan và công bố quy hoạch này. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An