Trông su hào trên bờ vuông tôm
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Hòa Bình đã phá thế độc canh bằng việc trồng màu trên bờ vuông tôm. Mô hình này không chỉ giúp họ cải thiện bữa ăn gia đình, mà còn tạo thêm thu nhập. Đơn cử như nông dân Phạm Văn Thanh (ấp 17, xã Vĩnh Hậu A).
Ngoài nuôi tôm công nghiệp, ông Phạm Văn Thanh còn tận dụng đất trống trên bờ bao ao tôm để trồng các loại rau màu cải thiện bữa ăn gia đình. Và ông đã thành công với mô hình trồng su hào.
Ông Thanh chia sẻ: “Khi được người thân cho hạt giống su hào, tôi trồng thử nghiệm khoảng 100m2 trên bờ vuông tôm. Qua một thời gian, tôi thấy cây su hào thích nghi với đất đai và khí hậu ở khu vực này. Cây su hào phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn so với các loại hoa màu khác, và lợi nhuận cũng cao hơn. Thế là tôi tận dụng hết 1.000m2 đất trống trên bờ ao tôm để trồng su hào”.
Với thời gian trồng su hào khoảng 50 ngày, thu hoạch 5 tấn/1.000m2, giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, ông Thanh lãi gần 30 triệu đồng.
Mô hình trồng su hào trên bờ bao vuông tôm đã đem lại hiệu quả thiết thực. Do vậy, ngành chức năng cần nhân rộng mô hình nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất và tạo thêm thu nhập, việc làm cho người nuôi tôm.
Mô hình kết hợp lúa – cá
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Trinh (xã Vĩnh Phú Đông), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá nên thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Cách đây 10 năm, ông Trinh chỉ chuyên canh cây lúa nên cuộc sống thiếu thốn, chỉ tạm đủ ăn. Là một nông dân cầu tiến, ông không cam chịu với cảnh sống chỉ dựa vào cây lúa. Từ đó, ông tìm tòi, học hỏi các mô hình sản xuất thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Sau một thời gian, nhận thấy mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá khá thích hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, ông liền áp dụng.
Với 7 công đất ruộng, ông Trinh sử dụng 2 công sản xuất kết hợp lúa - cá, chủ yếu là cá lóc đồng và cá trê vàng. Bước đầu thực hiện, do không có kinh nghiệm nên ông gặp khó khăn trong khâu kỹ thuật và chăm sóc, vì thế hiệu quả mang lại không cao. Rút kinh nghiệm, ông Trinh đầu tư đào mương bao quanh bờ ruộng với chiều rộng khoảng 2m, trên bờ bao tận dụng trồng cây ăn trái, dưới mặt nước thì nuôi cá và trồng thêm bông súng Đà Lạt. Làm như thế vừa tạo môi trường tự nhiên cho cá, lại tạo thêm thu nhập.
Theo ông Trinh, nguồn vốn để đầu tư cho mô hình sản xuất này không lớn. Mỗi năm, ông chỉ mua khoảng 40kg cá trê vàng giống, còn cá lóc thì ông bắt cá con trong tự nhiên để nuôi, nhờ vậy nên hạn chế chi phí đầu tư nguồn cá giống.
Mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá của hộ ông Nguyễn Văn Trinh đang cho kết quả khả quan. Theo ông Trinh, cá nuôi trong ruộng lúa ước đạt trọng lượng khoảng 2 tấn. Với giá bán trên thị trường dao động từ 60.000 - 70.000/kg, trừ các khoản chi phí ông còn lãi từ 40 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có thêm nguồn thu từ trồng lúa và rau màu.