Để giảm thiệt hại cho người dân hiện nay huyện đang chỉ đạo phòng nông nghiệp phối hợp với các xã tuyên truyền các hộ dân đầu tư xây dựng nhà kín, nhà lưới đảm bảo điều kiện tốt nhất mới thả giống tôm vụ 3.
Mô hình nuôi tôm trong nhà màng của hộ ông Hoàng Xuân Tin - xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu).
Quỳnh Bảng là xã có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện với 180 ha ao đầm tập trung tại 130 hộ dân. Trung bình 1 năm người dân quay vòng nuôi 2 vụ. Tính đến tháng 7, 100% diện tích nuôi tôm vụ 2 của bà con đã cho thu hoạch với sản lượng cao, giá ổn định. Hầu hết người nuôi tôm đều có lãi. Từ tháng 8 đến tháng 12 là thời điểm thời tiết gặp nhiều bất lợi như mưa, rét nên công việc nuôi tôm gặp khó khăn, sản lượng con giống thả xuống tỷ lệ chết trên 60%, dịch bệnh hay xuất hiện nhiều nên nhiều năm trở lại đây ngành nông nghiệp của huyện khuyến cáo các xã tuyên truyền người dân không nên thả giống tôm vụ 3. Chỉ động viên các hộ có đủ điều kiện xây dựng nhà màng, nhà kính bảo vệ sức khỏe được con tôm trước môi trường thiên nhiên thì nên thả nuôi. Đến nay toàn xã Quỳnh Bảng đã hỗ trợ, khuyến khích được 10 hộ xây dựng nhà màng, nhà kính bảo vệ hồ nuôi với tổng diện tích hơn 10 ha. Ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết:“Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của huyện, nhưng địa phương cũng khuyến cáo người dân ko nên thả nuôi tôm vụ 3 khi chưa đủ điểu kiện kỹ thuật bởi tính rủi ro cao, để dàn trải sản lượng cuối năm để giá cả đạt cao khuyến cáo người dân xây dựng nhà mạng, nhà kính, đảm bảo các điều kiện con tôm phát triển.”
Quỳnh Lưu là huyện có diện tích nuôi tôm lớn của cả tỉnh với 460 ha, trong những năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, An Hòa.. đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ao nuôi theo công nghệ cao. Để áp dụng phương pháp này, các hộ nuôi tôm phải đảm bảo 3 yếu tố cần thiết đó là: nước sạch, đáy sạch và giống sạch.
Theo đó, các hộ nuôi tôm đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo lại ao nuôi, trải bạt lót đáy ao để thay thế phương pháp nuôi ao đất để tăng hiệu quả, hạn chế dịch bệnh ở tôm. Đồng thời, quy hoạch lại ao, dành riêng từ 1 – 2 ao làm ao lắng nước trước khi thả giống. Cùng với đó, nhiều hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn trong nhà lưới với thiết kế ao được cải tiến, mô hình này có thể nuôi tới 3 – 4 vụ tôm/năm, trong khi cách nuôi truyền thống trước đây chỉ 1 – 2 vụ/năm, sản lượng có thể lên tới 20 – 25 tấn/ha/năm. Từ hiệu quả của việc nuôi tôm trong nhà kính nhà lưới trong thời gian tới huyện sẽ có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích các hộ dân áp dụng KHKT để tăng số vụ nuôi trong năm lên 3-4 vụ, qua đó tăng sản lượng tôm, tăng giá trị con tôm khi nông dân biết cách nuôi rải vụ.
Ông Đậu Đức Năm – Trưởng phòng NN & PT NT huyện cho biết thêm: “ Thông thường các nơi khác khí hậu thuận lợi thì họ sẽ nuôi tôm quanh năm như trong miềm nam. Tuy nhiên ở Quỳnh Lưu chưa thể nuôi quanh năm được. Vào dịp cuối năm sản phẩm một phần các hộ nuôi quảng canh và 1 phần là nhập từ nơi khác về . Phòng thì đang tuyên truyền các hộ nuôi đầu tư KHKT để nuôi tôm rải vụ tăng sản lượng và giá trị. Huyện sẽ hỗ trợ đối với các hộ xây dựng nhà kính nhà màng khoảng 250 triệu đồng trên hộ.”
Ngoài xã Quỳnh Bảng thì hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng hơn 300 hộ đang áp dụng nuôi tôm theo công nghệ cao và trong đó có hơn 40 ha diện tích nuôi tôm VietGap đang cho hiệu quả kinh tế cao.Với phương pháp nuôi theo hướng hiện đại, tăng mật độ thả nuôi, dự kiến năm 2018 sản lượng tôm toàn huyện đạt xấp xỉ 3000 tấn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng cơ sở cho các vùng chuyên canh nuôi tôm thâm canh để khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, làm chủ được thời tiết, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững.