Từ đó, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Trình độ sản xuất của người dân được nâng lên thông qua các cuộc tập huấn nâng cao kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, chia sẻ kinh nghiệm, tham quan các mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Từ đó, tiềm năng đất đai phát huy tích cực, các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, đời sống người dân chuyển biến tích cực.
Các loại hình nuôi hết sức đa dạng, phong phú, phát huy được thế mạnh mũi nhọn với 428 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh, có 372 hộ nuôi, năng suất từ 60-80 tấn/ha cho mỗi vụ nuôi; 1.653 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp thâm canh, với 3.019 hộ nuôi, năng suất từ 7-9 tấn/ha cho mỗi vụ nuôi. Đây là thế mạnh mũi nhọn tăng năng suất, sản lượng tôm nuôi.
Ngoài ra, các loại hình nuôi tôm bền vững tiếp tục phát huy hiệu quả với 19.516 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, có 14.580 hộ nuôi, chiếm gần 50% tổng diện tích sản xuất và đạt 102,7% kế hoạch năm, năng suất bình quân mỗi vụ nuôi 550 kg/ha. Đây là loại hình nuôi đang được ngành chuyên môn khuyến cáo nhân rộng, nhiều nông dân chú trọng thực hiện do chi phí sản xuất thấp, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả, đồng thời có thể kết hợp với các loài thuỷ sản khác để tăng hiệu quả kinh tế.
Chuyển giao khoa học - kỹ thuật là khâu quan trọng được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua việc triển khai, hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất.
Việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện có bước phát triển tích cực, số hộ tham gia thực hiện và diện tích các mô hình hiệu quả chủ lực của huyện ngày một tăng lên, góp phần tăng năng suất, hiệu quả nghề nuôi thuỷ sản của địa phương trong thời gian qua. Nổi bật như nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến.
Trong đó, sự xuất hiện của các loại hình nuôi mới vừa đảm bảo tốt cho thu nhập của người dân, vừa mang tính bền vững và hiệu quả đang được nhân rộng. Tiêu biểu như nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước. Hiện toàn huyện có 4.950 ha nuôi theo loại hình này, với 4.572 hộ thực hiện. Năng suất bình quân 600 kg/ha/vụ. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí lợi nhuận trên 60 triệu đồng/vụ. Đây là loại hình mang tính ổn định, được đánh giá cao. Theo đó, đến nay ngành chuyên môn và các xã, thị trấn trong huyện cũng triển khai được 1.807 ha, với 1.095 hộ thực hiện mô hình quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Năng suất bình quân 600 kg/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 900 kg/ha/vụ.
Nhiều nơi còn kết hợp nuôi đa con cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện toàn huyện có 8.448 ha với 4.816 hộ thực hiện mô hình nuôi sò huyết, cua kết hợp trong vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh truyền thống. Năng suất bình quân 400 kg/ha/năm.
Những kết quả bước đầu trong việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất ở huyện Phú Tân từng bước đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi. Chẳng những không còn độc canh con tôm mà còn phát huy được chất lượng mũi nhọn, vừa tăng năng suất sản xuất, vừa nâng cao đời sống người dân. Huyện tiến hành các giải pháp đồng bộ cho sản xuất. Trong đó, chú trọng điều chỉnh và quy hoạch lại các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, mang tính ổn định và bền vững. Đặc biệt chú trọng phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm công nghiệp và nuôi đa con theo hình thức bền vững. Nhiều địa phương đã cụ thể hoá, kết hợp nuôi tôm, cua, cá với xây dựng mô hình nuôi thuỷ sản nước ngọt, phát triển vườn cây ăn trái, hoa màu trên vùng đất mặn. Đây là hướng đi bền vững, vừa nâng cao đời sống, vừa sản xuất hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.