Đổ tiền tỷ nuôi cá tầm giữa rừng sâu
Cá tầm là loại cá nước ngọt, chủ yếu được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp. Những nơi lý tưởng có thể nuôi được là các vùng núi phía Bắc như Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai)… Ở Quảng Ninh, nơi đầu tiên nuôi được cá tầm là ở các thác nước vùng cao Bình Liêu. Ít ai biết rằng ở Phong Dụ (Tiên Yên) cũng có người đi tiên phong nuôi thành công giống cá cho thu nhập cao này.
Tôi tới xã Phong Dụ một sáng đầu tháng bảy. Được cán bộ xã dẫn đường, chúng tôi làm chuyến hành trình xuyên rừng để tới điểm nuôi giống cá nước lạnh đặc biệt này. Đích đến là vùng rừng núi Khe San (thôn Đồng Đình). Chỉ chừng 4km đường bê tông nhưng chúng tôi đi mất ngót 45 phút bởi cơn mưa lớn tối hôm trước làm cho đoạn đường khó đi do sạt lở, bùn đất. Chiếc xe tải cũ chở chúng tôi nhiều đoạn nặng nề, ì ạch vượt dốc. Máy gằn lên, nóng ran. Vượt qua nhiều đoạn dốc cao, chúng tôi cũng đã tới Khe San. Thế nhưng đó mới chỉ là một nửa quãng đường. Buộc phải gửi xe tải lại xóm Khe San, chúng tôi chuyển tải sang xe máy tiếp tục hành trình.
Dẫn đường cho chúng tôi là một cán bộ Hội Nông dân xã và anh Trần Văn Mạ, người Sán Chỉ, chủ trại nuôi cá tầm. Ở tuổi ngoài 40 tuổi, trông Mạ già dặn, nước da rám nắng, dáng vẻ khỏe khoắn. Bằng chất giọng chân chất, Mạ dặn: Đoạn đường rừng này khó đi, vượt dốc, đường trơn trượt rồi sau đó phải cuốc bộ mới tới nơi.
Chuẩn bị vượt rừng, chúng tôi bỏ lại nhiều đồ đạc, đeo ba lô gọn gàng, chân đi ủng cao tới gối. Qua cơn mưa đêm, nhiều đoạn đường dốc lên xuống, trơn trượt. Có đoạn đường hẹp, một bên là vực sâu, khiến chúng tôi toát mồ hôi. Hết đoạn đường khó, chúng tôi bỏ lại xe máy, lội suối rồi tiếp tục cuốc bộ. Qua câu chuyện trên đường đi, tôi được biết, giữa năm 2021, Mạ biết tới giống cá này hết sức tình cờ và cũng nắm được nhiều hộ ở Bình Liêu đã nuôi thành công, cho giá trị kinh tế cao.
Thấy tôi thắc mắc về điểm nuôi cá, Mạ giải thích: Cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 20-25 độ C và có khả năng chịu đựng nhiệt độ tối đa là 28 độ C. Trong khi đó Khe San là vùng đất có điều kiện thời tiết khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá tầm. Đây là khu vực giáp ranh rừng tự nhiên, nước đầu nguồn dồi dào, khá lạnh, sạch phù hợp cho nuôi giống cá này. Qua nhiều lần tìm kiếm, thậm chí mang thiết bị đo nhiệt độ đi kiểm tra, tôi phát hiện ra khu vực đầu nguồn thác Khe San, nơi còn nhiều vạt rừng nguyên sinh, có nguồn nước trong sạch, nhiệt độ cao nhất chỉ đạt đến 26 độ C, hoàn toàn phù hợp cho con cá tầm phát triển.
Câu chuyện kéo ngắn quãng đường. Chừng 30 phút sau, cuối cùng chúng tôi tới khu ao nuôi khang trang ngay kề ngọn thác lớn, bao quanh là bạt ngàn màu xanh của rừng. Vừa dẫn chúng tôi tham quan, Mạ vừa chỉ cho tôi các ao nuôi đầy cá. Vớt cho chúng tôi xem những con cá trưởng thành, có trọng lượng khá lớn chỉ sau 1 năm chăm nuôi, Mạ bảo: Để có được thành quả này không hề đơn giản mà tôi phải vượt qua bao khó khăn, buồn, vui, có lúc tưởng chừng bỏ cuộc.
Tìm được điểm phù hợp đã khó, Mạ đã phải khá vất vả trong việc đào ao, dẫn nguồn nước rồi cả quyết tâm không lùi bước trước không ít lời ngăn cản. Bởi lúc đó, Mạ đã đầu tư khá lớn: Hơn 400 triệu đồng để xây dựng trang trại bể nuôi, mua con giống về nuôi trên diện tích đất của gia đình rộng hơn 7.000m2. Đó là chưa kể công sức, thiết bị, máy móc của nhà sẵn có, không phải thuê.
Hơn 1 năm gắn bó với con cá tầm, anh Mạ không chỉ bỏ công sức, đổ mồ hôi mà còn là cả những giọt nước mắt. Thời điểm đầu, khi anh đón những con giống đầu tiên, cá chỉ dài chừng 10-15cm, to bằng ngón tay cái với giá mua khi ấy là 25.000 đồng/con. Toàn bộ cá giống được anh mua tại Sa Pa (Lào Cai). Mạ mạnh dạn đầu tư xuống giống lần đầu 6.700 con cá giống. Những tưởng mọi việc đều xuôi chèo thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau cá tầm chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục triệu đồng, khiến Mạ lo lắng, mất ăn mất ngủ.
Xót của, Mạ lại lặn lội đi lên Bình Liêu học hỏi kinh nghiệm. Thì ra nguyên nhân đến từ cách xử lý nguồn nước. Thay vì rửa, tháo nước thường xuyên một cách thủ công, Mạ học được kỹ thuật lấy nước, lọc nước bằng bố trí các vòi nước sạch, các vòi thoát nước thải sát đáy. Các vòi này phải chảy liên tục để vừa để vệ sinh ao sạch, vừa để nguồn nước vào ra luôn mới, sạch, giàu oxy. Vừa làm vừa học, đúc rút kinh nghiệm bài học từ thực tế đến nay mô hình nuôi cá tầm của anh Mạ tại Khe San bước đầu đã thành công. Nhờ nguồn nước sạch, lạnh và thường xuyên được luân chuyển, đàn cá tầm của Mạ sinh trưởng tốt, lớn rất nhanh, có con đã đạt 2-3kg sau hơn 1 năm nuôi.
Hơn 1 năm nay, ngày cũng như đêm Mạ một mình canh cá, cắm chốt tại trang trại không dám về cũng bởi không tìm được nhân công có kinh nghiệm chăm sóc cá tầm. "So với trồng rừng thì nuôi cá đem lại lợi ích kinh tế hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Hơn nữa, mô hình này cũng giúp tôi nảy sinh cũng như kết nối nhiều ý tưởng làm du lịch mà tôi ấp ủ bấy lâu. Đó là lí do khiến tôi quyết tâm nuôi cá tầm ở xã vùng cao này" - Mạ chia sẻ.
Ý tưởng phát triển du lịch
Vất vả, nhọc nhằn cuối cùng Mạ cũng nắm vững kỹ thuật, nuôi thành công loài cá khá khó tính này. Cá tầm đang kỳ lớn nhanh cùng với niềm vui của người đàn ông Sán Chỉ. Nhìn thành quả là 3 ao nuôi cá tầm, sản lượng 4- 5 tấn, với hàng nghìn con cá tầm đang bơi lội tung tăng, chúng tôi hiểu niềm vui của Mạ.
Từ từ vợt nhẹ con cá tầm đã nuôi được hơn 1 năm, Mạ cười tươi cho biết: Đây là con cá tầm đạt trọng lượng hơn 2kg, vài tháng tới là có thể xuất bán. Giá thị trường của cá tầm hiện là trên 200.000 đồng/kg. Có lẽ nhờ nguồn nước sạch, phù hợp, chăm nuôi tốt, qua kiểm tra chất lượng cá tầm ở đây rất tốt. Nhiều người biết tới đã đặt mua qua điện thoại và nhờ tôi gửi vận chuyển bằng xe khách. Tuy nhiên, để tiêu thụ một sản lượng lớn cá tầm thì chúng tôi chưa tìm được đơn vị hay doanh nghiệp lớn nào.
Dù chưa tìm được đầu ra thực sự ổn định nhưng Mạ cũng không nhiều lo lắng. Cá tầm là giống có thể nuôi dài hơi. Cá càng to càng đạt giá trị cao hơn nhưng cũng cần đầu tư nhiều công sức chăm nuôi, sát sao hơn.
Mạ kể: Đặc thù cá tầm luôn cần nguồn nước sạch, đảm bảo nhiệt độ dưới 28 độ C nên ao nuôi phải luôn lấy nguồn nước sạch, dòng chảy liên tục để cung cấp ô xy cho cá. Vì thế mỗi khi trời mưa hay nắng to đều là nguy cơ lớn với cá. Mưa khiến nước suối dâng cao, đục cần phải lựa chọn nguồn nước vào hoặc đóng nguồn cấp để đảm bảo độ sạch. Nắng to nhiệt độ ngoài trời tăng mạnh, người nuôi cần thay nước liên tục, đảm bảo lấy được nguồn nước đầu nguồn mát, sạch, giảm nhiệt độ ao nuôi cho cá.
Thế nên mỗi lần mưa gió hay nắng nóng giữa hè là lúc phải để ý hết sức. Không ít lần sơ ý, không đảm bảo nguồn nước sạch cho cá mà hàng chục, thậm chí hàng trăm con cá bị chết. Ngay chỉ cơn mưa đêm hôm trước thôi, do không kịp tháo nước, đã có vài con chết.
Để tìm đầu ra bền vững cho cá tầm, Mạ đã mạnh dạn kết hợp nuôi cá tầm với phát triển du lịch thác Khe San. Hiện anh là chủ nhà hàng lớn ở xóm Khe San đón hàng chục khách dịp cuối tuần. Đây cũng là nơi tiêu thụ, chế biến nhiều món ngon từ cá tầm cho du khách. "Chúng tôi đánh giá cao mô hình nuôi các tầm, tư duy mạnh dạn làm du lịch của anh Trần Văn Mạ. Hy vọng sự tiên phong, mạnh dạn này sẽ tạo những điểm nhấn giúp địa phương phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch" - Đồng chí La Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ bày tỏ.
Trên đường về, dẫn chúng tôi qua một cánh rừng keo bạt ngàn, tới vùng hạ nguồn thác Khe San đổ nước trắng xóa, Mạ bảo: Tôi luôn ấp ủ làm du lịch dựa trên thế mạnh cảnh đẹp, sự hoang sơ của thác Khe San của quê hương. Vì thế, ngoài việc cùng với xã làm con đường xuống thác, chúng tôi cũng dựng các chòi tre cho khách ngắm cảnh, nghỉ ngơi. Tôi cũng ấp ủ dự định làm khu chăm nuôi cá tầm bên khu vực hạ nguồn để du khách có thể tham quan, trải nghiệm quy trình nuôi cá tầm sạch, thậm chí có thể vớt mua cá về làm quà hoặc chế biến thưởng thức tại chỗ.