Mô hình được áp dụng thử nghiệm trên diện tích 0,5ha mặt nước tại hộ ông Lê Hồng Đức ở ấp Tân Hòa, xã An Nhơn. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 1 máy cho cá ăn tự động trị giá khoảng 40 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 50%, hộ tham gia mô hình đối ứng 50%). Máy gồm: thùng chứa thức ăn, hệ thống mô tơ, hệ thống bơm phun thức ăn, ống dẫn và hệ thống hẹn giờ tự động, công suất cho cá ăn khoảng 4 tấn thức ăn/giờ... , tiết kiệm được công lao động cho cá ăn hàng ngày, tỷ lệ chuyển hóa thức ăn của cá cao, tỷ lệ hao hụt thức ăn trong quá trình cho ăn thấp, giúp cá phát triển tốt và ổn định...
Tuy nhiên, máy cho cá ăn tự động còn nhiều hạn chế như: phải sử dụng điện 3 pha nên chi phí đầu tư cao, khó áp dụng rộng rãi tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, máy vận hành gây tiếng ồn, diện tích phân bố thức ăn hẹp nên cá phát triển không đồng đều... Nông dân đã có nhiều ý kiến như: cần khắc phục hệ thống vận hành và nguồn điện để có thể áp dụng rộng rãi tại các ao nuôi cá tra, giảm giá thành máy để người nuôi có thể đầu tư nhiều máy cho các ao nuôi, cần thiết kế kết hợp thêm các bộ phận để trộn thuốc thú y thủy sản...
Theo Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, mô hình trình diễn nhằm từng bước giúp người nuôi cá giảm bớt chi phí nhân công, giảm giá thành nuôi cá tra xuất khẩu trong thời gian tới.