Năm 2012, ông Vũ Ngọc Thúy, thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc đầu tư nuôi trên 4 ha nuôi tôm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão, nguồn nước dễ bị xâm nhập mặn, tôm khó thích nghi nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh, nhiều vụ không được thu hoạch. Năm 2015, ông đã chuyển đổi sang nuôi cá vược bán thâm canh; cá vược xen tôm cua. Nguồn nước dù bị nhiễm mặn nhưng khá phù hợp với các đối tượng nuôi này. Mỗi năm, ông Thúy thu được trên 4 tấn cá thương phẩm, với giá từ 150 đến 170 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Mỗi năm, ông Thúy thu được trên 4 tấn cá thương phẩm, với giá từ 150 đến 170 nghìn đồng/kg
Hiện nay, nguồn nước ở nhiều xã của Hậu Lộc chưa đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm thâm canh. Trong khi đó cá vược có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện môi trường nước, các loại thức ăn khác nhau, ít dịch bệnh, kỹ thuật nuôi đơn giản, nên nhiều hộ dân chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm sang nuôi cá vược theo phương thức bán thâm canh hoặc nuôi xen ghép với tôm, cua. Các hộ thường áp dụng hình thức nuôi thả luân phiên, gối vụ để có sản phẩm bán quanh năm, thị trường ổn định. So với nuôi tôm quảng canh, khi chuyển đổi sang nuôi cá vược, giá trị thu nhập tăng gấp 2 lần.
Bước đầu, huyện Hậu Lộc hiện đã chuyển đổi được 30 ha từ diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá vược. Những mô hình chuyển đổi đều đạt giá trị thu nhập cao. Đây là điều kiện để huyện tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng tới xây dựng các mô hình nuôi thâm canh, khắc phục những khó khăn do biến đổi khí hậu mang lại.
Huyện Hậu Lộc cũng đang quy hoạch mỗi xã ven biển có một vùng nuôi cá vược tập trung theo hướng hàng hóa, tạo thuận lợi hơn cho việc tiêu thụ sản phẩm.