Hiện nay, hai loài cá này được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế rất cao nên anh Tâm (chủ hộ nuôi ở Đồng Tháp) nảy sinh ý tưởng nuôi kết hợp cá chạch lấu và heo đuôi đỏ ngay trong vườn xoài rộng 4.000m2 của gia đình. Bể lót bạt thể tích 800m3 được thiết kế ngay trong vườn xoài, thả 10.000 con cá chạch lấu giống. Sau đó, thả thêm 100kg cá heo đuôi đỏ giống vào nuôi chung với cá chạch lấu vì loài này chủ yếu ăn chất thải của cá chạch, nguồn thức ăn thừa và rong rêu nên gần như không tốn thêm thức ăn.
So với cách nuôi truyền thống thì việc nuôi cá chạch lấu, cá heo đuôi đỏ trong bể lót bạt là cách làm mới. Tích hợp hệ thống bơm oxy, cấp nước và bể lọc tạo môi trường nước ổn định, ngăn ngừa một số loại bệnh trên cá. Sau 12 tháng thả nuôi, anh thu hoạch vụ cá đầu tiên, xuất bán được 3,5 tấn cá chạch lấu (giá 250.000 đồng/kg), lãi khoảng 200 triệu đồng. Còn cá heo đuôi đỏ bán được 800kg với giá 500.000 đồng/kg, lãi hơn 300 triệu đồng. Tuy vụ nuôi đầu tiên, chưa có kinh nghiệm, cá bị hao hụt nhiều nhưng nhờ bán cá được giá cao nên lợi nhuận rất khả quan, anh chia sẽ.
Phát huy kết quả đạt được, vụ nuôi thứ hai, anh Tâm phát triển thêm một bể lót bạt nữa với thể tích gần 200m3. Với hai bể, anh luân phiên thả nuôi cá cách nhau vài tháng, tránh thu hoạch cùng thời điểm. Vì nắm vững kỹ thuật nuôi cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ trong bể lót bạt nên những vụ nuôi tiếp theo, tỷ lệ cá hao hụt ít, mang về cho anh Tâm nguồn thu trung bình mỗi vụ hơn 1 tỷ đồng từ hai bể nuôi cá.
Hiện nay, việc tiêu thụ cá chạch lấu và heo đuôi đỏ rất thuật lợi, thương lái đến tận nơi để thu mua với giá khá cao. Anh Tâm còn bán lẻ cho tiểu thương ở các chợ, nhà hàng, quán ăn… Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, đang có chiều hướng phát triển rất tốt, anh dự định tăng quy mô nuôi cá trong thời gian tới.
Cá heo đuôi đỏ. Ảnh: giongthuysannghean
Việc nuôi cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu trong bể lót bạt có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống. Đó là không cần diện tích đất lớn, có thể nuôi thâm canh, nuôi liên tục trong năm; giảm chi phí vận hành, chăm sóc; quản lý, kiểm soát được nguồn nước, dịch bệnh trên cá, nguồn thức ăn và cá tạp…Ngoài ra, lắp đặt hệ thống xử lý nước tuần hoàn, nước trong ao nuôi liên tục bơm qua hệ thống xử lý rồi bơm ngược lại vào ao. Sử dụng lại nguồn nước để không gây ô nhiễm môi trường, liên tục tạo nguồn nước sạch cung cấp vào bể nuôi vì đây là loài cá chỉ sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước sạch. Cùng đó là giảm chi phí thay nước, cá ít bị bệnh, phát triển nhanh. Trung bình mỗi tháng xả nước thải từ bể ra vườn xoài một lần để thay nước mới, góp phần đỡ chi phí tưới cây và phân bón.
Mô hình nuôi cá của anh Tâm đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương trong việc vệ sinh bể nuôi, thu hoạch cá… với thu nhập trung bình 300.000 đồng/ngày. Anh Tâm nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá trong bể lót bạt với nhiều nông dân địa phương vì anh mong muốn thời gian tới, sẽ thành lập tổ liên kết nuôi cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ để có thể cung cấp liên tục nguồn hàng, sản lượng lớn cho thị trường.
Đó là một trong những yếu tố để hiện thực hóa mục tiêu xa hơn của anh là xuất khẩu hai loài cá đặc sản sang nước ngoài, vừa tăng giá trị kinh tế, vừa quảng bá đặc sản của quê hương. Mô hình kinh tế của anh Tâm phù hợp hình thức nông nghiệp đô thị, nơi có diện tích đất nhỏ và hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ có những cuộc khảo sát, đánh giá cụ thể về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hiệu quả kinh tế để sau đó có thể nhân rộng trên địa bàn.