Trong năm 2020, một số hộ dân tại thôn 13, xã Đam B’ri đã triển khai mô hình nuôi lươn mật độ cao bằng thức ăn công nghiệp trên địa bàn. Bước đầu cho thấy, các mô hình đều đạt hiệu quả tốt, khả năng nhân rộng cao.
Thời gian đầu còn bỡ ngỡ, chị Đặng Thị Ánh Ngọc phải tự tìm tòi, nghiên cứu trên mạng Internet. Về sau, chị trao đổi, gia nhập hội những người nuôi lươn ở Cà Mau để học hỏi thêm, kết hợp với việc đi thực tế, đến nay gia đình chị đã có một mô hình 7 bể nuôi với hơn 15.000 con lươn đủ các kích thước. Lươn lúc nhỏ chỉ bé bằng một chiếc tăm, thức ăn cho chúng chủ yếu là trùn quế, cá xay nhuyễn, cám cá chẽm với hàm lượng 45% trở lên. Việc sử dụng thức ăn viên còn giúp ít hao hụt khi nuôi, đồng thời giúp chủ động được nguồn thức ăn, hạ giá thành sản phẩm, một ngày chị Ngọc cho lươn ăn 2 lần, sáng và chiều, nguồn nước nuôi cấp vào bể được lấy từ ao lắng đã qua xử lý sát trùng và được kiểm tra độ pH để lươn có thể thích nghi và phát triển tốt.
Cùng với hộ chị Đặng Thị Ánh Ngọc, hộ gia đình ông Đỗ Văn Khang tại thôn 13, xã Đam B’ri cũng có hướng đi mới từ mô hình nuôi lươn. Hiện mô hình ông đang phát triển 9 bể nuôi với 15.000 con lươn lớn và hơn 20.000 con lươn nhỏ, diện tích mỗi bể tầm 4m2. Hồ được thiết kế hơi thoải để có thể dễ dàng thoát nước.
Khi được hỏi về những kinh nghiệm để chăm sóc bầy lươn được phát triển tốt, ông Khang cho biết: “Do đặc tính của lươn là ưa chui rúc, người nuôi cần bố trí giá thể để lươn có nơi trú ẩn. Nguồn nước sạch là một trong những yếu tố rất quan trọng để tránh tình trạng ô nhiễm, thiếu oxy, lươn dễ bị chết. Hàng ngày phải thay nước từ 2 - 3 lần, còn giá thể thì từ 5 - 7 ngày vệ sinh 1 lần. Vì là loài động vật ưa nhiệt độ ấm áp nên khi thay nước cho lươn, người nuôi nên thay một cách chậm rãi để lươn có thời gian thích ứng, không bị sốc nhiệt độ, nhất là vào những ngày thời tiết trở lạnh”.
Nuôi lươn không bùn là một mô hình dễ nhân rộng, sau khoảng 10 tháng, lươn có thể đạt trọng lượng tối thiểu 200gr/con. Cũng theo ông Khang, mô hình này cũng mang lại sự nhàn rỗi cho người nuôi. Mặt khác, có thể tận dụng nguồn nước xả còn lẫn thức ăn để nuôi cá, sau đó lấy nguồn nước này tưới cho vườn rau của gia đình. Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, sau một năm, gia đình ông có thể thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Nuôi lươn với mật độ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp mang lại nhiều ưu điểm như tỷ lệ sống của lươn nuôi được nâng lên và ổn định trong quá trình nuôi, chủ động được nguồn thức ăn, tránh hủy diệt cá tự nhiên, hạ giá thành sản phẩm, môi trường nước tốt, ít bệnh; bạt nuôi không bùn dễ chăm sóc, quản lý và lươn ít bệnh…
Chị Nguyễn Thị Thơm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B’ri cũng bày tỏ quan điểm: “Nuôi lươn không bùn là mô hình còn khá mới tại địa phương, vì vậy, các hội viên nông dân cũng như các hộ chăn nuôi cũng cần chú ý hơn về tính thích nghi của lươn với khí hậu, môi trường để chăm sóc tốt hơn và cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, yếu tố đầu ra cũng rất quan trọng, cần có sự phối hợp, tạo chuỗi liên kết để đảm bảo tính bền vững, lâu dài”.
Mặc dù cũng còn khá mới tại địa phương, tuy nhiên, mô hình nuôi lươn không bùn đã góp phần đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mặt khác, mô hình còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng các loại vật nuôi, tạo hướng đi mới cho nông dân, dần thay thế cho tập quán nuôi theo phương thức truyền thống.