Trầm lắng ao tôm...
“Mọi năm giờ này, tôi bận rộn ngoài hồ tôm để chăm nó chứ chẳng có thời gian ra đồng thế này đâu”, ông Nguyễn Sáu, thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) góp chuyện. Sự thay đổi này, theo ông Sáu là do thời tiết diễn biến khó lường, cộng với tâm lý ngại dịch bệnh, nên dù đang chính vụ nhưng gia đình vẫn không mạnh dạn xuống giống nuôi tôm.
Cùng nhận định trên, ông Đỗ Tuấn, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cũng cho rằng, thời tiết năm nay quá “kỳ lạ”. Đó là quanh năm nắng nóng, còn tháng Giêng thì mưa phùn rét buốt khiến người nuôi tôm gặp khó. Bởi, “nếu thả giống đúng lịch thời vụ thì với kiểu ngày nóng đêm lạnh như hiện giờ, tôm rất dễ nhiễm bệnh. Còn nếu lùi lịch, con tôm cũng khó sống vì giai đoạn phát triển “nhạy cảm” lại gặp nắng gắt”, ông Tuấn lý giải. Với lý do này nên dù giá tôm đang ở mức cao, nhưng hiện giờ ông Tuấn cũng như nhiều hộ nuôi tôm ở xã Đức Phong vẫn chưa tính chuyện xuống giống.
Không chỉ ở Đức Thắng, Đức Minh mà hiện giờ, nhiều hồ tôm trên địa bàn tỉnh như Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi), Bình Hải (Bình Sơn), Phổ An (Đức Phổ)... đều khá im lìm. Theo báo cáo của Phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT) thì toàn tỉnh có đến 1.100ha nuôi tôm nhưng hiện chỉ có 40ha được xuống giống theo đúng lịch thời vụ mà Sở NN&PTNT khuyến cáo.
Dù các hồ tôm trầm lắng nhưng bà Nguyễn Thị Thu Đông - Trưởng Phòng Thủy sản cho rằng: “Điều này cho thấy người dân đã cẩn trọng với con tôm, chứ không ồ ạt chạy theo giá như mọi năm”. Bởi theo bà Đông, lịch xuống giống thủy sản là do Sở NN&PTNT xây dựng và khuyến cáo người dân tuân thủ. Nhưng với những diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay thì sự cẩn trọng là cần thiết, nhằm tránh rủi ro. Hơn nữa, dù hứa hẹn mang lại “siêu lợi nhuận” nhưng đến thời điểm này, dịch bệnh trên con tôm vẫn chưa được khống chế hoàn toàn; các vấn đề kiểm soát chất lượng con giống, nguồn nước cũng như giải pháp xử lý nước thải cũng chưa được giải quyết rốt ráo nên người dân e ngại với con tôm cũng là điều dễ hiểu.
Nhộn nhịp ao cá
Trái với sự trầm lắng tại những hồ tôm thì ở các khu vực nuôi cá nước ngọt, không khí rất nhộn nhịp. “Cá nước ngọt dễ nuôi, lại được mọi người ưa chuộng nên giá bán cao, nhất là vào tháng Giêng”, ông Đinh Văn Tiến, thôn Biều Qua, xã Long Sơn (Minh Long) cho biết. Vì vậy mà dù chỉ có hai hồ nuôi với diện tích gần 1.000m2 mặt nước, nhưng với kỹ thuật xen canh hợp lý, lại nhạy bén thị trường nên Tết năm nào anh Tiến cũng có một hồ cá điêu hồng và rô phi để bán đến tận tháng Giêng, hồ còn lại cũng sẽ được xuống giống cá rô phi và trắm cỏ vào giữa tháng Giêng để vừa kịp lịch thời vụ, vừa... lấy may đầu năm!
Trong khi đó, ở các vùng nước đầm hay khu vực trồng sen, người dân cũng vừa hối hả thu hoạch cá, vừa thả cá giống để gối đầu vụ. Vài năm trở lại đây, giá bán các loại cá nước ngọt như: Điêu hồng, rô phi, trắm cỏ, lóc, diếc... ổn định ở mức cao. Riêng tháng Giêng, giá bán của một số loại cá như điêu hồng, lóc, diếc... tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Thu nhập của người dân tăng cao. Nghề nuôi cá nước ngọt vì thế cũng dần được nhiều người quan tâm đầu tư và mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, theo phản ánh của những hộ có ý định nuôi cá nước ngọt thì họ không biết tìm mua con giống chất lượng ở đâu. Vậy nên, nhiều khi họ đã mua cá bé ở chợ để thả nuôi dù biết nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chất lượng. Hơn nữa, để có giá bán cao, người nuôi phải khai thác cá dần dần và bán lẻ ở chợ. Bởi, nếu muốn bạn hàng bao tiêu số lượng lớn, họ phải chấp nhận... giảm 3 – 4 giá so với thị trường. Điều này không chỉ gây thiệt thòi cho người dân, mà còn khiến nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh phát triển theo kiểu “nhỏ giọt”.