Tiềm năng và thách thức
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản biển, với 5 vùng nuôi, tập trung ở các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm và Cam Ranh. Trong đó, tôm hùm được xác định là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, được nuôi tại 4 địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 64.566 ô lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hàng năm khoảng 1.340 tấn. Bên cạnh đó, các loại cá biển như: cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng... cũng được nuôi nhiều tại các đầm, vịnh trong tỉnh, với hơn 9.700 lồng nuôi, sản lượng hàng năm đạt hơn 3.630 tấn. Không chỉ vậy, các đối tượng nuôi như: cua biển, hàu Thái Bình Dương, rong biển cũng mang lại hiệu quả cao cho người nuôi.
Qua nhiều năm phát triển, nghề nuôi biển trong tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế. Lâu nay, người dân vẫn chủ yếu nuôi ven bờ, quy mô nhỏ, công nghệ lồng nuôi lạc hậu, không chịu được sóng gió lớn. Đến năm 2017, cơn bão số 12 đã để lại hậu quả nặng nề đối với nghề nuôi biển trong tỉnh. Bên cạnh đó, thách thức không nhỏ đối với nghề nuôi biển hiện nay là công tác quản lý các vùng nuôi biển còn nhiều khó khăn; vẫn còn tồn tại nhiều vùng nuôi tôm hùm, các loại cá ngoài quy hoạch. Trong khi đó, việc phát triển ồ ạt các lồng bè nuôi hải sản đang khiến cho môi trường vùng nuôi ô nhiễm, đối tượng nuôi bị dịch bệnh.
Không chỉ vậy, đầu ra của nghề nuôi biển cũng là câu hỏi lớn đối với định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh. Lâu nay, việc phụ thuộc nhiều vào đường xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đã khiến người nuôi nhiều lần lao đao. Từ giữa năm 2019, các mặt hàng thủy sản rớt giá khi thị trường Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đặt ra nhiều vấn đề về truy xuất nguồn gốc. Mới nhất, dịch Covid-19 đã khiến cho hàng trăm tấn tôm hùm và nhiều loại thủy sản nuôi khác ùn ứ, kéo giá xuống thấp, người nuôi thua lỗ.
Khuyến khích nuôi theo hướng công nghiệp
Theo ông Võ Nam Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nuôi biển, ngành Thủy sản định hướng, khuyến khích ngư dân phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, chuyển đổi công nghệ lồng nuôi từ lồng gỗ truyền thống sang vật liệu mới, áp dụng công nghệ, quy trình nuôi mới để phát triển bền vững.
Nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp tại trang trại của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 trên vịnh Vân Phong.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh đang có 2 mô hình nuôi biển công nghiệp hiệu quả tại vịnh Vân Phong. Trong đó, trang trại của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I quy mô 10ha mặt nước, với 20 lồng tròn chất liệu nhựa HDPE chịu lực, bão, gió mạnh, đang nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và 22 lồng vuông để nuôi cá giống bố mẹ, ương cá giống. Đây là trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sản lượng cá thương phẩm của trang trại đạt 200 - 250 tấn/năm, phục vụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, các nước Trung Đông… Ngoài ra, trang trại của Công ty TNHH Thủy sản AUSTRALIS cũng đang rất thành công khi nuôi cá biển với quy mô công nghiệp, kiểu lồng Na Uy, với sản lượng trung bình khoảng 2.000 - 2.500 tấn/năm.
Trở ngại lớn đối với việc áp dụng lồng nuôi theo công nghệ Na Uy là chi phí đầu tư lớn, lên đến 500 - 600 triệu đồng/lồng, nên chỉ doanh nghiệp mới có thể áp dụng. Để áp dụng vào quy mô hộ gia đình, trong tháng 5 tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ lắp đặt nuôi thử nghiệm mô hình nuôi biển theo công nghệ lồng Na Uy nhưng sử dụng vật liệu sản xuất trong nước, giá thành đầu tư lồng sẽ giảm còn khoảng 1/3 so với sử dụng lồng nuôi của Na Uy. Lồng nuôi này được đánh giá là thích hợp với quy mô hộ gia đình và có thể chịu được gió bão lớn.
Trong định hướng phát triển nuôi biển, ngành Thủy sản sẽ chú trọng phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm hùm lồng và cá biển. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, cần có chính sách khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài nước hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản biển. Một vấn đề quan trọng nữa là phải phát triển chuỗi liên kết giữa người nuôi trồng thủy sản với các đơn vị cung cấp các yếu tố đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc...); phát triển chuỗi liên kết giữa người nuôi với các doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản để tìm đầu ra ổn định cho người nuôi. Mặt khác, các địa phương cần quản lý vùng nuôi hiệu quả; đồng thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát triển nuôi tự phát, không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường…