Sông Vịnh chảy qua hầu hết các thôn trên địa bàn xã Kỳ Ninh, tuy nhiên chỉ 3 thôn ở cuối sông là Tân Thắng, Tam Hải 1, Tam Hải 2 có điều kiện tự nhiên, mặt nước rất thích hợp để phát triển nuôi thủy sản lồng bè.
Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Vịnh xã Kỳ Ninh
Ông Nguyễn Văn Lý (thôn Tam Hải 2) – một trong những hộ dân tiên phong nuôi cá lồng bè trên cửa sông Vịnh cho biết: “Năm 2014 tôi bắt đầu nuôi cá hồng Mỹ, cá mú trên lồng bè. Hiện tại, gia đình có 2 lồng nuôi, diện tích mặt nước khoảng 300m2. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ nuôi cá lồng bè”.
Riêng vụ nuôi năm 2018, đến thời điểm này, gia đình ông Lý đã thu hoạch hơn 1,5 tấn cá hồng Mỹ. “Hiện nay, dưới lồng bè vẫn còn hơn 1 tấn cá hồng Mỹ, cá mú đến độ thu hoạch, nhưng chúng tôi vẫn muốn chờ tết mới xuất bán. Nếu thu hoạch hết, vụ này gia đình thu khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng” – ông Nguyễn Văn Lý cho hay.
Mô hình nuôi cá lồng bè cho gia đình ông Nguyễn Văn Lý thu nhập trên 150 triệu đồng/năm
Theo thống kê của xã Kỳ Ninh, trên địa bàn hiện có 7 mô hình nuôi cá lồng bè trên sông. Nhận thấy tiềm năng cửa sông Vịnh có thể phát triển nuôi trồng các loại thủy sản khác, đầu năm 2018, chính quyền địa phương đã tổ chức cho một số hộ dân tham quan, học tập ở Quảng Ninh để áp dụng, xây dựng mô hình nuôi hàu treo dây trên sông. Sau khi được tiếp cận với mô hình mới, 5 hộ dân đã đứng ra triển khai nuôi thử nghiệm.
Hàu được nuôi bằng phương thức treo dây ở xã Kỳ Ninh
Anh Phan Công Thoàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Ninh cho biết: “Mô hình nuôi hàu treo dây là một hình thức nuôi mới mẻ đối với bà con. Mô hình này rất thích hợp với điều kiện tự nhiên ở cửa sông, cửa biển. Với mô hình này, bà con chỉ phải tốn chi phí tiền giống ban đầu và tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên.”
Đây là năm đầu tiên địa phương triển khai thử nghiệm mô hình nuôi hàu treo dây. Bởi vậy, hiệu quả bước đầu mang lại vẫn chưa cao. Tuy vậy, theo tính toán của các hộ dân, trừ chi phí, mô hình này vẫn mang lại lợi nhuận khá. Vì vậy, chính quyền địa phương đang nghiên cứu kỹ thuật nuôi để khắc phục những hạn chế, từ đó triển khai rộng rãi hơn mô hình nuôi hàu treo dây.
Đây là năm đầu tiên Kỳ Ninh triển khai mô hình nuôi hàu treo dây
Ngoài các mô hình nuôi cá lồng và nuôi hàu treo dây, trên địa bàn xã Kỳ Ninh hiện có 74 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 104 ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, cá, cua… Trong đó, hộ ít thì nuôi khoảng 0,5 ha, hộ nhiều thì nuôi từ 2ha – 3 ha. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Kỳ Ninh đều thắng lợi. Tính đến ngày 31/12/2018, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn xã đạt 96,2 tấn; trong đó: tôm đạt 55 tấn, cua đạt 7,2 tấn, cá các loại đạt 34 tấn.
Các mô hình nuôi trồng thủy sản ở cửa sông Vịnh tận dụng được nguồn thức ăn từ các tàu đánh bắt về cập bến
“Trung bình 1 ha nuôi trồng thủy sản, người dân Kỳ Ninh thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Đây là một năm thành công của bà con nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Nhận thấy nhiều tiềm năm của một xã cửa biển, có sông Vịnh bao quanh, chính quyền địa phương đang nghiên cứu để xây dựng và phát triển ngành nghề này trong tương lai nhằm tăng giá trị kinh tế cho địa phương” – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Ninh Phan Công Thoàn nhấn mạnh.