Ở ĐBSCL, tôm sú loại 30 con/kg hiện có giá bán 190.000 – 195.000 đồng/kg, còn tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.
Người nuôi chờ bảo hiểm
Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết các nhà máy chế biến xuất khẩu đang thiếu tôm nguyên liệu. Người nuôi gặp khó từ năm trước đến nay chưa hồi phục, lại thiếu vốn nên thả nuôi cầm chừng. Vụ nuôi tôm đợt 1 năm 2013 sắp kết thúc, nhưng diện tích thả nuôi ở các tỉnh trọng điểm tôm vùng ĐBSCL là Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch.
Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp là 11.913 ha, mới thả 10.007 ha, trong đó, tôm sú 7.876 ha, tôm thẻ chân trắng 2.131 ha, đạt 84% kế hoạch. Cùng kỳ năm trước đã thả trên 92%. Nhóm nuôi tôm liên kết của ông Phạm Trúc Điệp ở phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu), một điển hình nuôi tôm bền vững của Bạc Liêu, đầu năm nay đã bỏ nghề, treo ao.
Ở Sóc Trăng, vùng trọng điểm nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp huyện Trần Đề đang treo ao khá lớn do thiếu vốn. Ông Cao Minh Chí ở ấp Chợ, xã Trung Bình có diện tích ao tôm 4,5 ha, mới thả nuôi một nửa, còn lại phải chờ thu hoạch để quay đồng vốn. Cùng ấp là ông Giang Đại Hòa có 1,5 ha ao tôm, do không vay được vốn ngân hàng nên phải nuôi gối đầu ba lứa.
Theo các hộ dân ở Sóc Trăng, lý do không tiếp cận được vốn ngân hàng là từ đầu năm đến nay, Bảo Việt Sóc Trăng không bán bất cứ bộ hồ sơ bảo hiểm tôm nào cho dân. Ngân hàng chỉ phát vay nuôi tôm cho những hộ được bảo hiểm, nên vốn ở ngân hàng dành cho con tôm thừa mà không cho vay được. Người nuôi tôm nuôi cầm chừng để chờ ký hợp đồng bảo hiểm, được vay vốn ngân hàng đáp ứng nhu cầu.
Bảo hiểm chờ cấp trên
Ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315 về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Người nuôi tôm ở ĐBSCL đón nhận và hồ hởi tham gia.
Qua mấy năm thí điểm bảo hiểm với tôm nuôi tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, các chi nhánh Bảo Việt, Bảo Minh đã bồi thường hàng trăm tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần phí thu được, nhưng vẫn còn hàng ngàn hợp đồng phải bồi thường.
Ở Sóc Trăng, Cty Bảo Việt Sóc Trăng đã bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho bà con nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng vẫn còn 400 hồ sơ tồn đọng, tương đương 20 tỷ đồng. Ở Bạc Liêu, Cty Bảo Việt Bạc Liêu đã bồi thường 168 tỷ đồng cho 1.741 hộ nuôi tôm bị thiệt hại, nhưng còn tồn đọng hồ sơ cần bồi thường gần 3 tỷ đồng. Ở Cà Mau, còn tồn đọng 264 hồ sơ, tương đương 14 tỷ đồng.
Giám đốc các chi nhánh Bảo Minh, Bảo Việt tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cho biết, đang cố gắng giải quyết hợp đồng tồn đọng. Ông Trần Thanh Lạc, Giám đốc Cty Bảo Việt Bạc Liêu, thừa nhận giai đoạn thí điểm, quy tắc bồi thường lỏng lẻo, quy trình giám sát chưa chặt chẽ đã dẫn đến mất cân đối, nên thủ tục cần siết chặt hơn.
Một số chi nhánh bảo hiểm đang xây dựng quy trình chặt chẽ hơn để bảo hiểm thực sự thúc đẩy sản xuất theo hướng làm ăn lớn, ổn định, minh bạch. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Cty Bảo Việt Sóc Trăng, nói: “Chúng tôi xây dựng quy trình khai thác, quy trình giám định thiệt hại chặt chẽ hơn, nhưng TCty Bảo Việt chưa cho phép triển khai, đành phải chờ”.