Hoang vắng đồng tôm
Đi dọc vùng triều Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), nơi có cánh đồng tôm nối liền 2 xã Tam Phú và Tam Thanh dễ dàng nhận thấy không khí vắng vẻ vào những ngày này. Vùng nuôi tôm có diện tích hàng chục héc ta này chưa được nông dân cải tạo ao nuôi dù lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông đã bắt đầu từ gần 1 tháng nay. Nhiều ao nuôi có màu nước đen kịt, bèo đục và rong rêu đóng váng ken dày mặt nước. Một số nông hộ ở khu vực này cho biết, hạ tầng vùng nuôi tôm ở đây quá sơ sài, chưa có kênh cấp, kênh thoát nước mà nguồn nước ở sông Trường Giang thì quá ô nhiễm nên không ai dám thả nuôi ở vụ 1. Năm trước, nhiều hộ nuôi tôm ở đây bị thua lỗ nặng nề vì dịch bệnh phát sinh. Ông Nguyễn Quang Cư - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết, các nông hộ trên địa bàn xã ít có khả năng huy động được nguồn vốn lớn nên không thể tự đầu tư, hoàn thiện lại hạ tầng cho vùng nuôi. Chính quyền xã đã nhiều lần khuyến cáo nông dân đầu tư ao chứa lắng, ao xử lý nước thải để lọc kỹ nguồn nước trước khi nuôi nhưng chưa được thực hiện được. Trong khi đó, dù đã có chủ trương quy hoạch lại vùng nuôi tôm, đầu tư đầy đủ hệ thống đường sá, dẫn điện, nạo vét luồng lạch quanh những khu vực nuôi tôm nhưng đến thời điểm này TP.Tam Kỳ vẫn chưa triển khai được. “Trước đây nuôi tôm đem lại giá trị kinh tế tương đối cao nên người dân thả nuôi tự phát. Thời gian gần đây, dịch bệnh tôm nuôi thường xuyên xảy ra nên người dân không tiếp tục sản xuất” - ông Cư nói.
Toàn TP.Tam Kỳ có khoảng 400ha ao nuôi tôm nước lợ ở vùng triều nhưng diện tích thả nuôi mỗi năm biến động mạnh theo chiều hướng giảm. Thống kê của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho thấy, nếu như năm 2009, diện tích thả nuôi tôm trên toàn thành phố là 381ha thì đến năm các năm 2010, 2011 chỉ còn gần 350ha và đến năm 2013 là 230ha. Còn vào thời điểm này, đồng tôm thưa vắng. Phường An Phú địa phương trọng điểm của nghề nuôi tôm nước lợ ở TP.Tam Kỳ. Đến thời điểm này chỉ mới có 50% diện tích nuôi tôm được thả giống, là 10ha. Ông Ngô Văn Tùng - Phó ban Kinh tế phường An Phú cho biết, chỉ có một số hộ nuôi tôm đạt hiệu quả trong vài năm trở lại đây như các ông Đỗ Văn Lãnh, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Hòa thả giống sớm từ trước tết thôi chứ các hộ còn lại thì chưa dám thả giống vì thời tiết còn diễn biến bất lợi.
Năm sản xuất khó
Ông Lê Đình Tường - Phó phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, trong tổng số 180ha ao nuôi tôm toàn thành phố thì đến thời điểm này có khoảng 90ha được các nông hộ thả nuôi. Vậy nhưng, theo quan sát của chúng tôi, 2 cánh đồng tôm lớn nhất của Hội An nằm ở 2 xã Cẩm Hà, Cẩm Thanh vẫn vắng bặt bóng người, ao nuôi hoang hóa. Khu vực Hóc Rộ là địa bàn trọng điểm nuôi tôm của Hội An trong nhiều năm qua chưa có nhiều diện tích được cải tạo, phơi nắng chứ chưa nói đến việc nuôi tôm. Quanh khu vực này, thủy lợi đồng tôm rất sơ sài, nhiều ao nuôi tôm sạt lở, nước thẩm lậu, ứ đọng. Cũng ở khu vực phía bắc Quảng Nam, ngoại trừ khu vực nuôi tôm ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vốn được các nông hộ thả nuôi quanh năm, các thôn còn lại đều chưa bắt đầu vào vụ nuôi tôm mới. Tình trạng này cũng xảy ra trên các cánh đồng tôm của huyện Thăng Bình - địa phương trọng điểm của nghề nuôi tôm nước lợ của Quảng Nam.
Thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho thấy, đến thời điểm này, trong tổng số 1.500ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều, mới chỉ có 300ha được thả nuôi. Các nông hộ chậm thả giống vì thời tiết trong tháng 2 rất bất lợi, không khí lạnh liên tục tăng cường, tôm nuôi rất dễ bị bệnh. Vì thế ngành chức năng khuyến cáo, người nuôi nên thả giống với mật độ thấp, khoảng dưới 50 con/m2 để giảm rủi ro. Đối với các hộ sắp sửa nuôi thì trước khi thả giống cần tẩy dọn ao nuôi sạch, tiêu diệt triệt để mầm bệnh, tuy nhiên không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác.
Để tránh dịch bệnh tràn lan trên tôm nuôi, Sở NN&PTNT khuyến cáo các hộ nuôi cần có ao chứa lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi và phải xử lý trước khi thải ra bên ngoài. Sau khi thả tôm giống, các nông hộ cần đảm bảo oxy hòa tan trong các tầng nước nuôi, duy trì độ mặn và nhiệt độ trong nước không quá cao và định kỳ diệt mầm bệnh, vi khuẩn trong quá trình nuôi. Người nuôi cần điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp, không cho tôm ăn dư thừa, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đối với các ao nuôi bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp thì nông hộ cần xử lý triệt để bằng Chlorin (30kg/1.000m3), khoanh vùng, cách ly, không xả nước thải, tôm chết ra môi trường bên ngoài.
Phối hợp chặt chẽ, hạn chế dịch bệnh
Theo Sở NN&PTNT, các bất lợi về thời tiết sẽ khiến cho việc nuôi tôm nước lợ trong vụ 1 - 2016 gặp khó khăn. Vì thế, các địa phương ven biển cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện thả tôm giống của người nuôi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản. Chi cục Nuôi trồng thủy sản chủ động thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, thức ăn, hóa chất, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về chất lượng, đăng ký theo quy định. Chi cục Thú y tỉnh thực hiện công tác kiểm dịch giống thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển tôm giống đồng thời xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh và phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời.