Đây là 3 tổ hợp tác điểm của ấp nhằm thay đổi cách nuôi tôm truyền thống để thời gian tới tiếp tục nhân rộng trong nông dân.
Anh Nguyễn Hoàng Linh, ấp 3, xã Hàng Vịnh, bộc bạch, nếu sản xuất theo lối cũ thì rất khó đạt kết quả, phải áp dụng nuôi tôm cải tiến thì mới hy vọng phát triển được kinh tế gia đình. Với diện tích hơn 1 ha đất, anh vừa cải tạo xong theo quy trình khép kín vùng nuôi, đã xử lý nước định kỳ mỗi tháng, đợi hết mùa cải tạo sẽ cùng các tổ viên trong tổ hợp tác sản xuất tiến hành thả giống.
Cũng như anh, nhiều bà con trong ấp cũng cải tạo xong đầm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là kỹ thuật vẫn còn lờ mờ do chỉ mới học sơ qua lớp chuyển giao kỹ thuật từ khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vốn lại thiếu. Anh và bà con nơi đây đang mong được giúp đỡ từ các ngành có liên quan.
Ông Hỏa Hồng Lâm, Trưởng ấp 3, xã Hàng Vịnh, cho biết, cái khó của địa phương hiện nay là áp dụng theo phương pháp nuôi mới mỗi héc-ta đất vốn đầu từ khoảng 70 triệu đồng, con số này vượt quá khả năng của người dân.
Năm 2012, toàn huyện Năm Căn phát động chuyển đổi sản xuất từ nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm quảng canh cải tiến với diện tích 500 ha.
Ông Trương Quốc Duẩn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho biết, chỉ tiêu năm nay rất khó hoàn thành vì người dân vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi sản xuất khi vốn còn thiếu và các mô hình hiệu quả chưa nhiều, chưa đủ sức thuyết phục bà con.
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao kỹ thuật cho người dân không thể trên lý thuyết suông mà phải gắn với thực hành, nhưng công việc này chưa được triển khai rộng khắp.
Ổn định sản xuất, xây dựng các tổ hợp tác bền vững bảo đảm các yếu tố khách quan về điều kiện sản xuất của bà con nhân dân là một trong những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Xã Hàng Vịnh nói riêng, nông dân huyện Năm Căn nói chung đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ các ngành có liên quan để làm tốt công tác này.