Năm 2018, gia đình anh Dương Văn Trường, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, đầu tư 1,6 tỷ đồng để xây dựng 22 bể xi măng để thử nghiệm nuôi tôm trên diện tích 1.200m2. Mỗi bể nuôi tôm có quy mô từ 50 đến 100m2. Trong bể nuôi được lắp đặt máy sục khí, hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Trên các bể nuôi, gia đình anh Trường đầu tư mái che bằng lưới.
Điều này sẽ giúp giảm nhiệt độ vào mùa nắng nóng, điều tiết được nhiệt độ, tránh tình trạng sốc nhiệt khi thời tiết chuyển mùa đột ngột. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng kiên cố cùng các thiết bị được đầu tư đồng bộ, nên tôm nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 4 tạ/100m2/vụ, doanh thu đạt 60 đến 70 triệu đồng/100m2/vụ, lợi nhuận đạt 30 đến 35 triệu đồng/100m2/vụ.
Từ thành công ban đầu, gia đình anh Trường tiếp tục đầu tư nuôi các vụ tôm thẻ chân trắng tiếp theo. Ông Trần Văn Thép, công nhân phụ trách kỹ thuật của hệ thống bể nuôi tôm, cho biết: Nuôi tôm trong bể có mật độ khá dày, khoảng 400 con/m2, gấp 5-6 lần so với mật độ ở ao nuôi. Do đó, sau 40-60 ngày khi tôm có kích cỡ lớn hơn, người nuôi phải san giảm mật độ, chỉ để 200 con/m2 tôm có môi trường rộng tăng kích cỡ nhanh. Khi thu hoạch, người nuôi nên áp dụng cách “thu tỉa”, bắt tôm làm 2 lần để vừa bảo đảm kích cỡ, năng suất tôm, vừa không bị áp lực tiêu thụ số lượng lớn. Áp dụng cách nuôi này, tôm luôn sinh trưởng, phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ về ưu điểm của mô hình, anh Trường cho biết: Nuôi tôm thẻ chân trắng quan trọng nhất là kiểm soát được nguồn nước và dịch bệnh. Việc nuôi tôm trong bể xi măng được xây dựng theo từng ô riêng biệt cùng với hệ thống lọc nước giúp người nuôi kiểm soát được nguồn nước đưa vào bể, lại không chịu tác động của môi trường nước bên ngoài, nên hạn chế tối đa được các loại dịch bệnh trên tôm. Trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh, vì các bể nuôi được xây dựng theo từng ô riêng biệt, nên người nuôi cũng dễ dàng xử lý và khoanh vùng, do đó khắc phục được tình trạng tôm chết hàng loạt, giúp người nuôi giảm tối đa tổn thất so với việc nuôi ngoài ao, đầm.
Nếu nuôi tôm theo phương thức quảng canh hoặc nuôi công nghiệp trong ao, đầm phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, thì việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng lại giúp người nuôi hoàn toàn chủ động được điều kiện và thời vụ nuôi. Hơn nữa, khi thu hoạch chỉ cần mở van để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới là có thể thu toàn bộ số tôm, nên vừa không bị thất thoát lại tiết kiệm được công lao động. Đáng nói, mô hình này không yêu cầu phải có diện tích lớn, nên có thể nhân rộng và phát triển tốt theo hình thức nuôi hộ gia đình, phù hợp với đặc điểm mật độ dân số đông, diện tích đất hạn chế như ở phường Hải Thanh.
Với những ưu điểm, sự phù hợp và hiệu quả kinh tế vượt trội, nên mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn phường Hải Thanh. Ông Đặng Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh, cho biết: Chỉ sau hơn 2 năm du nhập vào địa phương, đến nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng đã được nhân rộng tại 90 hộ dân, với tổng diện tích khoảng 100.000m2, bình quân hơn 1.100m2/hộ. Lợi nhuận bình quân đạt khoảng 90 triệu đồng/100m2/năm.
Đây đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ trên địa bàn phường Hải Thanh. Vì vậy, UBND phường đang khuyến khích các hộ dân, nhất là các hộ định cư gần bờ biển, có quỹ đất, tiềm lực kinh tế đầu tư triển khai và nhân rộng mô hình.