Ông Trần Văn Hoàng (ấp Rạch Thăng, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) có 19 ao nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Ông Hoàng cho rằng, nếu như hàng năm, nuôi tôm trái vụ thất mùa - được giá thì năm nay đều mất cả hai. Tôm nguyên liệu vẫn còn rớt giá trầm trọng nên nếu nuôi trái vụ thì dù trúng tôm cũng khó mà có lãi.
Trao đổi với chúng tôi, “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) phân tích: “Hiện giá bán tôm sú loại 30 con/kg khoảng 130.000 đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá thành tôm nguyên liệu khoảng 110.000 đồng/kg thì người nuôi chỉ lời tối đa khoảng 20 triệu đồng/tấn tôm nuôi. Do đó, khi thất một vụ tôm, đòi hỏi phải trúng nhiều vụ mới gỡ lại được. Nuôi tôm trái vụ năm nay chỉ làm giàu cho các đại lý bán thức ăn, thuốc thủy sản và tôm giống, còn người nuôi sẽ không được gì”.
Năm nào ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đều khuyến cáo nông dân nên cắt vụ nhằm ngắt mầm bệnh trong ao nuôi, cũng như có đủ thời gian để cải tạo ao nuôi, nhưng vẫn còn một số hộ nuôi vẫn bất chấp khuyến cáo này. Thực tế cho thấy, nuôi tôm trái vụ có thể bán được giá cao nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Người nuôi tôm trái vụ giống như đánh bạc mà cơ hội chiến thắng rất mong manh.
Theo ý kiến nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn và căn cứ tình hình khí tượng thủy văn cho thấy, trong thời gian từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 1 âm lịch năm sau, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, ngày nóng, đêm lạnh không thích hợp với điều kiện phát triển của tôm. Ngược lại, đây lại là điều kiện thích hợp cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh đốm trắng. Bên cạnh đó, đây còn là thời điểm thu hoạch và cải tạo những ao nuôi chính vụ nên môi trường nước trên các kênh rạch bị ô nhiễm nặng, mầm bệnh luôn tồn tại ở mức khá cao. Do đó, bất cứ một sai sót nhỏ nào trong quá trình quản lý ao nuôi đều có thể dẫn đến dịch bệnh phát sinh và lây lan, gây thiệt hại lớn. Quan trọng hơn là ảnh hưởng đến cả cộng đồng, vì khi dịch bệnh gặp điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi thì mầm bệnh sẽ phát triển mạnh. Thêm vào đó, thời gian ngắt vụ cũng là thời điểm khí hậu không thuận lợi cho quá trình sản xuất tôm giống. Cho nên, chất lượng tôm giống sản xuất ra khó đáp ứng cho nhu cầu nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh.
Trước tình hình trên, ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, khuyến cáo: “Bà còn chỉ nên nuôi tôm trái vụ khi có điều kiện về vốn, khả năng kiểm soát dịch bệnh và ở những nơi đảm bảo tốt về nguồn nước… Nếu không, bà con không nên thả tôm ở vụ nuôi này, bởi vì rất dễ thất bại”.
Đánh giá của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, hoạt động xả thải nguồn nước trong ao và bơm bùn đáy ao trong nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ra ngoài mà không xử lý đã làm cho hệ thống kênh rạch bồi lắng, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc xả thải liên tục, không có thời gian gián đoạn để môi trường được phục hồi và mầm bệnh bị cắt sẽ làm môi trường bị suy thoái và nghề nuôi tôm lại càng rủi ro nhiều hơn. Vấn đề đặc biệt quan trọng ảnh hưởng hiệu quả và sự bền vững của nghề nuôi tôm mà rất ít người nuôi chú trọng, đó là chất đất trong ao nuôi của mình. Đất thường xuyên ngập mặn sẽ làm thay đổi tính chất vật lý và hóa học của đất.
Sau khi đúc kết kinh nghiệm nuôi tôm trái vụ ít khi thành công, để lại hậu quả khôn lường, không chỉ thiệt hại cho mình mà còn cho cả cộng đồng, “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn khuyên rằng: “Nếu muốn nuôi tôm trái vụ, bà con nên nuôi quảng canh. Bằng không, bà con hãy chọn các đối tượng thủy sản khác như cua, cá để thả nuôi mà vẫn đảm bảo nguồn thu nhập”.