Ngày 23/6, Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT có chuyến khảo sát tình hình vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016 tại huyện Trần Đề và thăm mô hình nuôi tôm thực nghiệm tại TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Đến vùng nuôi tôm công nghiệp huyện Trần Đề, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh, cho biết, Hiệp hội hiện có vùng nuôi tôm trên 2.000 ha. Do nhiều năm qua nuôi tôm thất bát vì dịch bệnh, thua lỗ nên từ đầu vụ đến nay chỉ mới thả nuôi khoảng 20% diện tích.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi mới như: nuôi ghép cá rô phi, cá chẽm trong ao lắng, nuôi với mật độ thưa, sử dụng chế phẩm vi sinh… tỷ lệ thành công rất cao.
Ông Hứa Thành Hưng, một thành viên Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh cho biết, từ đầu năm đến nay, ông thả nuôi 24 ao, thu hoạch được 162 tấn, lãi gần 11,2 tỉ đồng. Ông Hưng thừa nhận, yếu tố thành công ở vụ nuôi năm nay chính là nhờ tăng số lượng ao lắng, ao chứa kết hợp nuôi cá chẽm, sau đó mới lấy nước này xử lý để nuôi tôm.
Trong khi đó, khác với ông Hưng, ông Hai Hoàng sử dụng cá rô phi làm đối tượng nuôi ghép, kết hợp thả mật độ thưa (30-50 con/m2), nên trong số 30 ao có đến 29 ao trúng và chỉ có 1 ao thất bại.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao kết quả các mô hình nuôi thành công vừa qua và đề nghị Sở NN-PTNT Sóc Trăng cần tổng kết 3 vấn đề lớn trong nuôi tôm là khoa học công nghệ, tổ chức lại SX và các chính sách về vốn.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Trong nuôi tôm, hợp tác là rất quan trọng, không chỉ giúp bảo vệ tốt môi trường nuôi, mà còn tạo điều kiện để các cơ chế, chính sách như tín dụng, bảo hiểm… đến được với người nuôi. Sở NN-PTNT Sóc Trăng cần đúc kết những mô hình nuôi đạt hiệu quả để nhân rộng. Riêng vấn đề vốn, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ người nuôi tôm.
Cùng ngày đoàn công tác Bộ NN-PTNT đến tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thuộc Tập đoàn Him Lam tại huyện Trần Đề và mô hình nuôi tôm thực nghiệm không sử dụng chất kháng sinh tại TX Vĩnh Châu.