Ốc đá chỉ xuất hiện vào mùa mưa, từ tháng 4 cho đến cuối tháng 9 âm lịch, khi tiết trời ẩm ướt rồi sau đó gần như biến mất. Ốc đá có hương thuốc quý do chỉ ăn lá cây, quả và thảo dược trong rừng. Ốc đá có thể tìm thấy ở khá nhiều nơi như xã Thạch Thành, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Sơn La, Tây Ninh,…Đây cũng là một loại đặc sản của người Mường.
Nếu những hôm trời không mưa thì phải chờ đến nửa đêm, ốc đi ăn thì mới thấy, những con ốc bám vào tảng đá, thấy ánh đèn pin, vội co người rơi xuống suối. Trời mưa thì dễ bắt ốc hơn, trời mát, ốc bò ra nhiều, chỉ cần đi dọc các con suối là cũng có thể thu về kha khá. Ở bìa rừng có rất nhiều ốc, nhưng muốn bắt phải vượt qua núi đá cao, thậm chí là những vách đá dựng đứng.
Ốc đá chế biến đơn giản, chỉ cần ngâm nước sạch cho nhả hết lá cây rồi luộc hoặc xào, làm nộm. Ngon nhất vẫn là ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc. Thường dân địa phương hay luộc ốc với sả hoặc hấp gừng, cố ý giữ hương vị đặc trưng của ốc núi. Thịt ốc dai dai, giòn giòn, nhưng phải nhai thật chậm mới cảm nhận hết hương vị riêng có của nó. Ốc đá chấm muối tiêu chanh, nhón thêm một gốc sả hay cắn chút gừng non, nhai vài lá rau răm, nhâm nhi chút rượu nếp sẽ thấy hết vị ngon của nó.
Ngoài luộc, người ta còn dùng ốc để chế biến món canh. Khi đã luộc chín ốc, người ta đổ ra khêu, thịt ốc đem nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua… đều rất ngon. Cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi.
Qua tháng 9 âm lịch là hết mùa ốc. Nếu muốn để dành thì phải bỏ chúng vào chum sành hoặc một cái nong rộng. Mỗi buổi chiều vẩy ít nước và bột ngô cho ốc ăn. Nhưng ốc nuôi sẽ gầy vì không được ăn lá cây và thảo dược, vị kém ngon. Hết mùa mưa, ốc sẽ chui sâu xuống đất, rất khó tìm.