Đặc điểm
Luân trùng (Rotifera): Ngành Rotifera có 3 lớp với trên 2.000 loài, có kích thước nhỏ (100 - 500 µm). Luân trùng giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hoá và hấp thụ. Trong thành phần axit béo không no có chứa EPA, DHA, hai loại này được coi là axit béo thiết yếu có tác động đến tỷ lệ sống và sự phát triển của cá biển (Sargent, 1989; Olsen và ctv, 1993; Kanazawa, 1993; Dhert và Sorgeloos, 1995 trích bởi Như Văn Cẩn, 1999). Cho đến nay, theo thống kê, luân trùng sử dụng làm thức ăn cho 60 loài cá biển, 16 loài giáp xác.
Giáp xác chân chèo (Copepoda): Trong môi trường nước mặn, các giống loài thuộc bộ Calanoida chiếm đa số, chúng là thành phần thức ăn chủ yếu (> 70%) trong ống tiêu hóa của hầu hết các loài cá biển. Ngược lại, bộ Cyclopoida có nhiều ở các ao, hồ nước ngọt, chúng là thành phần không thể thiếu cho các loài cá bột.
Tảo: Hiện, có trên 40 loài tảo khác nhau đã được phân lập và gây nuôi trên thế giới, trong đó một số giống loài được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất giống bao gồm tảo khuê Skeletonema costatum; Tảo có roi Isochrysis galbana, Tetraselmis suecica, Monochrysis lutheri; Tảo lục Chlorella spp.
Giá trị dinh dưỡng
Thức ăn tự nhiên có kích thước nhỏ, cung cấp đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết giúp thủy sản tăng trưởng, phát triển tốt. Theo Trần Thị Thanh Hiền và ctv (2004) khi cá bột mới nở, kích thước cơ thể nhỏ, hệ thống tiêu hóa và enzyme chưa hoàn chỉnh nên thức ăn tự nhiên là nguồn dinh dưỡng quan trọng và không thể thiếu để nâng cao chất lượng cũng như tỷ lệ sống của cá. Thông thường, cá bột sau khi tiêu hết noãn hoàng, thức ăn duy nhất được cá ưa thích là động vật phù du. Vấn đề thiếu thức ăn tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến cá bột hao hụt nhiều trong thời gian ương. Bởi, các loại thức ăn tự nhiên chứa nhiều axit béo cao không no HUFA như: EPA, DHA, ARA và nhiều enzyme cần thiết cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cá bột trong giai đoạn ương mà thức ăn nhân tạo không đáp ứng được.
Một trong những thức ăn tự nhiên phổ biến, ưa thích và có giá trị làm thức ăn cho tôm khi mới thả là giáp xác chân chèo (Copepoda). Khi cung cấp thức ăn tự nhiên, nhất là luân trùng và ấu trùng Copepoda trong 3 - 4 ngày đầu tiên sẽ cải thiện được tỷ lệ sống của cá tra bột đáng kể (Vũ Ngọc Út và Trần Sương Ngọc, 2014). Protein của Copepoda cần thiết cho sự tăng trưởng mạnh của tôm nuôi khi còn nhỏ. Ngoài giá trị dinh dưỡng, thức ăn tự nhiên còn góp phần tăng cường ôxy hòa tan và làm giảm các khí độc trong ao nuôi giúp môi trường nuôi được ổn định, cân bằng hệ sinh thái, giảm sự phát triển của tảo đáy.
Quản lý
Giai đoạn đầu: Thức ăn tự nhiên trong ao phát triển phụ thuộc việc gây màu nước trước khi thả giống; vì vậy, cần thực hiện các biện pháp gây nuôi để nước ao có màu đạt tiêu chuẩn (màu xanh nõn chuối, xanh vàng, màu trà hoặc màu đậu xanh).
Trong quá trình nuôi: Trong tháng đầu tiên, ao nuôi thường dễ mất màu, để duy trì cần sử dụng các biện pháp tổng hợp để trợ lắng và bổ sung dinh dưỡng để ổn định màu nước, duy trì lượng thức ăn tự nhiên cho thủy sản.
Đối với trường hợp tảo trong ao phát triển quá mức sẽ gây ra hiện tượng nở hoa, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thủy sản nuôi. Người nuôi cần nên thay nước để giảm mật độ tảo (nếu ao lắng đã được xử lý nước). Đồng thời, cần kiểm soát thức ăn không cho ăn dư và xử lý tảo bằng men vi sinh với mật rỉ đường ủ 3 - 6 giờ đánh vào ban đêm. Sử dụng vôi với liều lượng cho phép < 20 kg/1.000 m3. Sau đó, dùng Zeolite với lượng 20 kg/1.000 m3. Hút bùn, xi phông đáy thường xuyên và sử sụng chất diệt tảo có gốc CuSO4.
Ngoài ra, trong ao nuôi thủy sản, khi độ đục cao, lượng ánh sáng thâm nhập vào ít sẽ làm giảm cường độ quang hợp của thực vật phù du. Khi đó, phương pháp đơn giản là tiến hành thay nước kết hợp với xử lý bằng vi sinh. Tuy nhiên, cần lựa chọn thời điểm thay nước thích hợp.