Trong một chuyến tình cờ vào thăm bà con ở Đồng Nai, người nông dân Võ Lựa bị cuốn hút bởi mô hình nuôi ba ba với cá lóc và rô đồng. Trở về, ông không khỏi băn khoăn vì sao người ta có thể làm giàu từ quê mà mình lại không. Sau chuyến đi tìm hiểu học tập, ông đã mang về 300 con giống để thí điểm mô hình.
Trong lần nuôi thử này trời đã không phụ lòng người. Số ba ba nhanh chóng sinh sôi và phát triển tốt đem lại cho ông một số vốn ban đầu. Ông Võ Lựa nhận ra rằng đây chính là con đường để đưa ông đến với thành công. Sau 8 năm miệt mài với mô hình này, từ 2 hồ nuôi đến nay ông đã có trong tay 18 hồ nuôi với khoảng 2.000 con ba ba thịt và hơn 150 con ba ba giống. Với ba ba khi đạt trọng lượng từ 0,8-1,5kg là có thể bán thịt với giá khoảng 300.000đ/kg. Cùng với việc tận dụng nuôi thêm cá lóc, cá rô đồng trên cùng diện tích cho thu nhập hàng năm của gia đình ông gần 200 triệu đồng. Không chỉ tự tạo con giống cho bản thân, ông còn cung cấp con giống cho các hộ nuôi khác ở Quảng Bình, Quảng Trị...
Theo ông Võ Lựa, trong tất cả các loại cá chỉ có cá lóc và rô đồng là có thể nuôi chung với ba ba. Tỉ lệ cá lóc, rô đồng thả chung với ba ba là 30 con/m2. Cá lóc và rô đồng là loại dễ nuôi nhưng lại tiêu thụ lượng thức ăn lớn. Việc nuôi chung sẽ giúp tận dụng được nguồn thức ăn, từ nguồn phân và thức ăn thừa của ba ba. Qua đó làm sạch môi trường nước tiết kiệm chi phí. Thời gian nuôi ba ba để cho thu hoạch thường kéo dài từ 6-7 tháng nên việc xen canh thả nuôi cá lóc, rô đồng sẽ giúp ông tận dụng được diện tích mặt nước. Nhờ áp dụng mô hình này mà cuộc sống gia đình ông Lựa được cải thiện hơn. Mô hình của ông Lựa là một điển hình của người nông dân vượt khó, tự làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.